Do đó cơ quan chức năng cần xử lý nghiêm hành vi giao xe cho trẻ chưa đủ tuổi, chưa có giấy phép lái xe, phối hợp với nhà trường để có hình thức xử lý phù hợp với hành vi vi phạm giao thông của học sinh. Phụ huynh phải dành thời gian dạy dỗ con em kiến thức và kỹ năng trước khi giao xe.
Trước đó thiếu tướng Nguyễn Văn Trung, Cục trưởng Cảnh sát giao thông, cho biết ba tháng đầu năm cả nước xảy ra 6.550 vụ tai nạn giao thông, làm chết hơn 2.700 người, bị thương hơn 5.200 người. So với cùng kỳ năm 2023, tăng 22% số vụ, giảm 15% số người chết và tăng 54% số người bị thương. 5 tỉnh có số người chết tăng hơn 50% là Hà Giang, Đồng Tháp, Thừa Thiên Huế, Lào Cai, Cà Mau.
Các vụ tai nạn xảy ra trên quốc lộ chiếm 50%, từ 12h đến 18h chiếm 50%, người điều khiển xe gây tai nạn là nam giới độ tuổi 28-55 chiếm 66%. Xét về phương tiện liên quan tai nạn, môtô, xe máy chiếm 41%; xe tải, xe container, ôtô con, xe khách mỗi loại chiếm tỷ lệ từ trên 10 đến 18%.
Ông Trung cũng nêu tình trạng học sinh vi phạm giao thông diễn biến phức tạp, nhất là các em cấp 2, cấp 3 đi học bằng xe máy điện, xe máy, môtô song không đội mũ bảo hiểm, dàn hàng ngang, chạy quá tốc độ, đánh võng, không chấp hành đèn tín hiệu, sử dụng điện thoại khi lái xe. Nhiều học sinh điều khiển phương tiện khi chưa có giấy phép lái xe làm tăng nguy cơ tai nạn.
3 tháng đầu năm, cảnh sát giao thông đã xử lý hơn một triệu trường hợp vi phạm, tăng 38% so với cùng kỳ năm trước, trong đó có 22% trường hợp vi phạm nồng độ cồn, 20% vi phạm quá tốc độ...