Tăng khả năng tư duy, sáng tạo của học trò
Cùng quan điểm trên, cô Nguyễn Nguyệt Nga – giáo viên Ngữ văn Trường THPT Việt Đức (Hoàn Kiếm, Hà Nội) - cho rằng, việc không sử dụng ngữ liệu trong SGK để ra đề thi là cần thiết vì sẽ giảm tình trạng học sinh chỉ học thuộc lòng, nói theo “điệu sáo”, chỉ rèn tư duy tái hiện, không phát triển được trí sáng tạo, tự chủ trong suy nghĩ cũng như bộc lộ suy nghĩ, cảm xúc của bản thân. Việc này cũng góp phần khắc phục lối dạy học truyền thụ một chiều, áp đặt, đọc chép trong môn Ngữ văn; kích hoạt việc đổi mới dạy học theo hướng phát triển năng lực, giúp các em vận dụng kiến thức, kỹ năng vào thực tế học tập và cuộc sống; tạo tiền đề để triển khai Chương trình SGK Ngữ văn mới.
Cũng theo cô Nguyệt Nga, triển khai nội dung Công văn số 3175 của Bộ GD&ĐT được tiến hành từ năm học 2022 - 2023, tức là sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến cấu trúc đề thi tốt nghiệp THPT năm 2023. Hiện tại, đề thi tốt nghiệp chỉ còn phần nghị luận văn học gắn với các văn bản trong SGK, còn đọc hiểu và nghị luận xã hội đã nằm ngoài SGK. Điều này được triển khai nhiều năm qua, học sinh đã quen với cách đọc và viết những vấn đề không có trong sách. Đến năm học này, thí sinh sẽ tiếp tục làm quen với việc làm câu nghị luận văn học với ngữ liệu không có trong sách.
Ủng hộ chủ trương của Bộ GD&ĐT, cô Bùi Thị Lệ Hằng – giáo viên Ngữ văn Trường THPT Phạm Văn Nghị (Ý Yên, Nam Định) hiểu rằng trước mỗi sự đổi mới sẽ có những khó khăn nhất định. Nhưng dù khó đến đâu thầy cô sẽ tìm cách khắc phục, nghiên cứu phương pháp dạy để rèn cho học sinh kỹ năng vừa học được văn bản trong SGK mà vẫn có thể cảm nhận được văn bản ngoài SGK.
Về phía học sinh, em nào chăm chỉ chịu khó, khả năng tư duy tốt sẽ hứng thú với hình thức ra đề này. Các em có nhiều “đất diễn” chứ không bó hẹp như trước đây. Hơn nữa, từ trước nay vẫn có tình trạng đoán đề Văn, tuy nhiên, “trúng tủ” nhưng vẫn có thể “lệch ngăn” bởi mỗi tác phẩm sẽ có nhiều khía cạnh, đề thi lại chỉ cho vào một trong các khía cạnh đó.
“Theo nội dung chúng tôi được tập huấn, Bộ GD&ĐT sẽ ra đề Ngữ văn phần nghị luận văn học bằng một văn bản ngoài SGK nhưng có cùng chủ đề, thể loại với văn bản trong SGK. Như vậy, chúng ta cần tiếp tục nghiên cứu cách ra đề như thế nào, hướng dẫn chấm ra sao để có thể áp dụng một cách linh hoạt, phù hợp với thực tế”, cô Hằng cho biết thêm.
Em Nguyễn Hải Thủy – cựu học sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP Nam Định) - nhìn nhận, đây là cách hiệu quả để học sinh ý thức hơn về việc học tập, học bằng tư duy chứ không phải học thuộc lòng. Ví dụ, đề ra một tác phẩm trong giai đoạn văn học kháng chiến 1945 - 1975 thì học sinh phải hiểu về những đặc điểm của giai đoạn này là gì, so sánh với giai đoạn văn học khác, đọc thêm nhiều tác phẩm để có thể so sánh, mở rộng.