Tranh luận không chỉ dừng ở độ khó của đề thi, Dịch giả Nguyễn Quốc Vương cho rằng yêu cầu của đề cũng không rõ.
“Ở câu 2, yêu cầu của đề rất tối nghĩa. “Bằng một tác phẩm thơ" được hiểu rằng là học sinh sẽ phải làm thơ hay các em sẽ phải chọn lấy một bài thơ nào đó để phân tích, bình luận nhằm chứng minh cho nhận định trên là đúng?
Tôi đoán đáp án sẽ là chọn lấy một bài thơ (của người khác) để bình luận, phân tích, diễn giải để... minh họa cho ý đã đưa ra. Tuy nhiên, sự việc sẽ thế nào nếu thí sinh làm “một bài thơ”, ông Vương cho rằng đề thi không rõ ý.
Trao đổi với VietNamNet, sáng 4/5, ông Bùi Ngọc Luận, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ xác nhận đây đúng là đề thi do Phòng GD-ĐT xây dựng.
“Các giáo viên cốt cán môn Văn của huyện khẳng định đề không sai”, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Cẩm Khê cho biết.
Về mức độ khó dễ của một đề thi, theo ông Luận, khó đánh giá bởi tùy vào đối tượng học sinh và để chính xác hơn cần tham khảo phổ điểm.
“Đề có thể khó với học sinh này nhưng lại bình thường với học sinh khác. Môn Ngữ Văn lớp 7 có 98 em dự thi học sinh năng khiếu. Trong đó, có 7/98 em đạt từ 14 điểm trở lên với thang điểm 20. Điểm cao nhất là 14,5 điểm và thấp nhất là 6,5 điểm. Có 51/98 học sinh đạt từ 10 điểm - ngưỡng điểm trung bình - trở lên".
Tuy nhiên, ông Bùi Ngọc Luận nói thêm, Phòng GD-ĐT huyện Cẩm Khê sẽ nghiêm túc tiếp thu tất cả các ý kiến của dư luận, họp nghiên cứu để có phương án điều chỉnh những vấn đề còn chưa tốt, đổi mới phương pháp giảng dạy, kiểm tra, đánh giá.