Giáo dục

Đề thi không còn 'quen mặt': Học sinh cần làm gì để hóa giải đề Ngữ văn mới?

PV 11/04/2025 21:24

Giáo viên môn Ngữ văn Trường THPT Kim Liên (Hà Nội) khuyên học sinh từ nay đến Kỳ thi Tốt nghiệp THPT 2025 nên dành thời gian tổng ôn kiến thức xuyên suốt từ lớp 10 đến lớp 12, trong đó tập trung lớp 12, nắm chắc các thể loại, rèn kỹ năng làm bài đồng thời luyện nhiều đề để quen với các dạng câu hỏi, tình huống của đề.

Cô Phạm Thị Phương Nhung, giáo viên môn Ngữ văn Trường THPT Kim Liên (Hà Nội), cho rằng kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay là năm đặc biệt khi học sinh lần đầu tiên thi cử theo chương trình mới. Các em lo lắng khi đề thi có thể sẽ không sử dụng ngữ liệu trong sách giáo khoa, đòi hỏi học sinh phải có kỹ năng làm bài.

Ngay từ đầu năm học, Tổ Ngữ văn của Trường THPT Kim Liên đã xây dựng khung chương trình dạy và ôn tập cho học sinh từ sớm để các em được làm quen, luyện tập các dạng đề, nắm kỹ đặc trưng các dạng bài. Sau khi Bộ GD&ĐT có đề minh họa, tổ chuyên môn cũng tiến hành xây dựng các bộ đề mẫu theo phom của bộ để học sinh các lớp cùng ôn tập.

hskim-1906-8352.jpg
Học sinh Trường THPT Kim Liên (Hà Nội), một trong những trường hằng năm có kết quả thi tốt nghiệp THPT top đầu của TP Hà Nội cũng như cả nước.

Năm đầu tiên thi theo chương trình mới, học sinh không khỏi lo lắng và để hỗ trợ tối đa cho học sinh, thầy cô cũng liên tục thảo luận chuyên môn, cùng chia sẻ kinh nghiệm, các dạng đề mới để cho học sinh thử sức, chữa bài. Khi được luyện đề nhiều, các em quen dần phương pháp mới, không bị động, xa lạ khi va vấp một số tình huống khó.

Cũng theo cô Phương Nhung, kết quả đợt khảo sát chất lượng của Sở GD&ĐT Hà Nội sẽ là căn cứ để thầy cô điều chỉnh cách thức dạy học đồng thời phân loại học sinh tiếp tục có giải pháp hỗ trợ. Trong đó, em ở mức khá giỏi sẽ được thúc đẩy để đạt điểm thi tốt nhất và em điểm chưa như mong muốn cũng được bổ trợ để tự tin bước vào kỳ thi tốt nghiệp.

Với cách ra đề mới, có thể hoàn toàn không sử dụng ngữ liệu trong sách giáo khoa như hiện nay, cô Nhung khuyên học sinh cách làm bài tránh để mất điểm đáng tiếc. Đầu tiên đó là học sinh phải nắm chắc đặc trưng thể loại và kỹ năng làm bài. Bên cạnh đó, các em cũng cần rèn kỹ năng diễn đạt ngắn gọn, súc tích và nêu trúng được vấn đề yêu cầu, tránh lan man, dài dòng.

Rèn kỹ năng phân tích đề

Chương trình mới thay đổi phương thức dạy học, ra đề, cách đánh giá cũng sẽ có sự thay đổi. "Văn ôn, võ luyện”, do đó từ nay đến kỳ thi ngoài nắm chắc kiến thức nền tảng về đặc trưng thể loại, học sinh cần luyện nhiều đề, tăng cơ hội cọ xát, nghiên cứu bài giáo viên chữa các em sẽ tự tin ứng phó với các tình huống trong đề

Cô Phạm Thị Phương Nhung

Cô Phạm Thị Thu, giáo viên dạy bộ môn Ngữ văn lớp 12 Trường THPT Kim Liên chia sẻ, điều may mắn đối với nhà trường đó là điểm tuyển vào lớp 10 cao nên học sinh có năng lực tốt. Tuy nhiên, để phát triển tốt nhất năng lực của từng học sinh, giáo viên thường phân thành 3 nhóm: giỏi, khá và trung bình để hướng dẫn, hỗ trợ các em đạt được mức điểm như kỳ vọng.

Đến lớp 12, học sinh đã có định hướng rõ ràng và khác nhau. Ví dụ, có em chỉ cần đỗ tốt nghiệp để có thể đi du học thì mức độ yêu cầu chỉ dừng lại ở mức cơ bản nhưng cũng có em chọn Ngữ văn là một xét tuyển vào các ngành liên quan môn học, yêu cầu đặt ra ở mức độ cao hơn. Thầy cô giáo sẽ có sự phân loại, định hướng và đặt ra yêu cầu cho học sinh theo mục tiêu.

Theo cô Thu, đề Ngữ văn theo chương trình mới đòi hỏi học sinh có năng lực văn chương trên cơ sở các em đã có nền tảng kiến thức chắc chắn. Thời điểm này, dù học sinh có mức điểm thấp cũng không nên mất tự tin bởi còn hơn 2 tháng nữa mới tới kỳ thi, các em tập trung ôn tập “nước rút” để có kiến thức nền tảng chắc chắn.

Ngoài ra, khi cầm đề trên tay, điều đầu tiên và cũng quan trọng nhất đó là học sinh phải có kỹ năng đọc và phân tích đề, trong đó lưu ý câu lệnh đặt ra yêu cầu nào cần gạch chân để có hướng triển khai. Để nhận biết vấn đề đúng, đòi hỏi học sinh phải có kiến thức để phân tích, đánh giá sau đó mở rộng và vận dụng, liên hệ thực tế. Ở phần làm văn yêu cầu học sinh nắm được kỹ năng viết đảm bảo yêu cầu về nội dung, hình thức và cách viết có lập luận chặt chẽ, bài viết sạch sẽ.

Về phương pháp học, cô Thu nói, trước kỳ thi, học sinh cần ôn tập tổng thể xuyên suốt kiến thức từ lớp 10 đến lớp 12, trong đó tập trung khối lượng kiến thức chủ yếu ở lớp 12.

Ngoài ra, học sinh cũng cần luyện các dạng câu hỏi, các dạng đề thi để có thể tiếp cận và không bỡ ngỡ với những cách hỏi. Dù câu hỏi trong đề có ra theo hướng nào đều xoay quanh kiến thức cơ bản, sau đó mới đến mở rộng và nâng cao. Do đó, khi nắm chắc kiến thức trong sách giáo khoa, học sinh cũng cần dành thời gian để đọc thêm thông tin, kiến thức của thời sự, xã hội, các vấn đề mới, nóng để có thể đưa vào làm phong phú bài viết của mình. Với cách làm đó, bài viết vừa thể hiện năng lực văn chương, vừa mang hơi thở cuộc sống sinh động.

Trong quá trình dạy học và chấm bài kiểm tra, cô Thu chỉ ra, học sinh thường hay mắc lỗi, mất điểm đáng tiếc ở phần phân tích sai yêu cầu của đề.

“Một số học sinh chưa phân tích được đề một cách rõ ràng, chưa nắm được yêu cầu về hình thức, nội dung nên đọc nhanh và làm theo cảm tính. Do đó, bài viết thiếu ý, thậm chí sai lạc”, cô Thu nói.

Trước mỗi kỳ thi, cô thường căn dặn học sinh phải giữ tâm lí thoải mái và chuẩn bị cho mình sức khỏe tốt. Bởi vì giai đoạn cuối này, đôi khi học sinh căng thẳng quá mức hoặc học dồn dập, không quan tâm đến sức khỏe khi vào phòng thi sẽ kiệt sức hoặc mất sự tỉnh táo, làm bài thi không hiệu quả.

Với chương trình mới, Bộ GD&ĐT kỳ vọng đổi mới phương pháp dạy và học Ngữ văn sẽ giúp học sinh phát huy được tính chủ động, sáng tạo và đảm bảo công bằng cho học sinh. Sẽ không còn chuyện học sinh đọc thuộc, chép y nguyên mà vẫn đạt điểm cao như những năm trước.

Qua 3 năm dạy học theo chương trình mới, giáo viên Ngữ văn đánh giá, học sinh đã có sự thay đổi rất lớn. Điều đầu tiên được ghi nhận đó là các em có thể thể tiếp cận, cảm nhận và làm các bài phân tích về những tác phẩm mới, chưa từng biết đến.

Thứ hai là học theo chương trình mới, không tạo ra những học sinh viết văn theo công thức rập khuôn. Trước đây, khi chấm bài, giáo viên bắt gặp nhiều bài văn mẫu giống nhau như đúc nhưng hiện nay các bài viết phong phú, mỗi bạn một cách viết, lập luận khác nhau rất sinh động.

Theo các cô giáo dạy Ngữ văn của Trường THPT Kim Liên, trên thực tế, không phải học sinh nào cũng yêu thích Ngữ văn. Một trong những khó khăn, thách thức đối với học sinh đó là xác định định hướng và mục tiêu đầu ra đối với môn học từ đó phản chiếu thái độ, mức độ đầu tư thời gian, công sức của các em.

Ngoài ra, sự chuyển mình của thầy cô và học sinh khi học chương trình mới cũng rất quan trọng nếu không vẫn là “bình mới rượu cũ”, sách mới, cách học cũ cũng không đạt hiệu quả. Thầy cô tâm huyết, đổi mới và học trò cũng có tâm thế say mê, yêu thích môn học sẽ thuận lợi hơn.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 là năm đầu tiên học sinh thi theo chương trình GDPT 2018. Kết quả khảo sát học sinh lớp 12 của Hà Nội ngay trước kỳ thi cho thấy, môn Ngữ văn rơi vào tình trạng đáng báo động khi có tới gần 40.000 bài thi môn Ngữ văn đạt mức điểm dưới trung bình (dưới 5 điểm).

Trong đó, có 58 bài thi đạt điểm 0; gần 4.600 bài thi đạt mức dưới 2 điểm; 6.800 bài thi đạt 2-3 điểm. Sở GD&ĐT Hà Nội cảnh báo về nguy cơ trượt tốt nghiệp đối với những học sinh có bài thi dưới điểm 3.

Theo https://tienphong.vn/de-thi-khong-con-quen-mat-hoc-sinh-can-lam-
https://tienphong.vn/de-thi-khong-con-quen-mat-hoc-sinh-can-lam-gi-de-hoa-giai-de-ngu-van-moi-post1732822.tpo
Copy Link
https://tienphong.vn/de-thi-khong-con-quen-mat-hoc-sinh-can-lam-gi-de-hoa-giai-de-ngu-van-moi-post1732822.tpo
Bài liên quan
Bộ GD&ĐT kiểm tra chuẩn bị thi tốt nghiệp THPT 2025 tại 30 Sở GD&ĐT
Bộ GD&ĐT sẽ thành lập 15 đoàn kiểm tra công tác chuẩn bị thi tốt nghiệp THPT năm 2025 tại 30 Sở GD&ĐT theo 3 miền Bắc, Trung, Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đề thi không còn 'quen mặt': Học sinh cần làm gì để hóa giải đề Ngữ văn mới?