Tuyển sinh - du học

Đề thi tiếng Anh tốt nghiệp THPT 2025 khó, vượt ngoài chương trình giáo dục?

01/07/2025 11:31

Theo Tiến sĩ Vũ Thị Phương Anh, có nhiều căn cứ khách quan để tin rằng ngữ liệu của đề thi tốt nghiệp THPT 2025 môn Tiếng Anh vượt ngưỡng mục tiêu cần đạt và nội dung của đề thi có nhiều điểm quá xa lạ vượt ra ngoài chương trình giáo dục.

Đề thi các môn Toán, Tiếng Anh tốt nghiệp THPT 2025 đang gây chú ý và tranh luận trong giới chuyên môn, giáo viên, học sinh và phụ huynh. Có ý kiến cho rằng đề quá khó, mang tính đánh đố; người khác lại ủng hộ cách ra đề mới. VietNamNet mở diễn đàn để ghi nhận các ý kiến đa chiều, góp phần cải tiến kỳ thi và nâng cao chất lượng dạy - học.

Bài viết dưới đây là phân tích dưới góc nhìn chuyên môn về đề thi Tiếng Anh tốt nghiệp THPT 2025 của Tiến sĩ Vũ Thị Phương Anh, nguyên Giám đốc Trung tâm Khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo, ĐH Quốc gia TPHCM.

Thế nào là đề thi “khó”, “hay” hoặc “tốt”?

Một đề thi được xem là “khó” khi phần lớn thí sinh không đạt được điểm trung bình - điều này chỉ có thể xác định sau khi có phổ điểm thực tế. Tuy nhiên, phản ứng của học sinh và giáo viên cùng kinh nghiệm những năm gần đây cho thấy nhiều khả năng điểm trung bình năm nay sẽ thấp hơn, dao động trong khoảng 4,5 đến gần 5 điểm - và không nhiều điểm 9, 10. Nếu dự đoán này đúng, có thể coi đề thi là khó.

Khái niệm “hay” lại mang tính chủ quan, thường được nhiều người dùng để mô tả cảm giác tích cực với đề thi - có thể do ngữ liệu thời sự, hấp dẫn hoặc gần gũi. Nhưng “hay” với người này chưa chắc “hay” với người khác, và đó không phải là tiêu chí chuyên môn để đánh giá đề thi.

Vì đề thi là một công cụ đo lường dựa trên những chuẩn mực khách quan chứ không phải là một cuốn tiểu thuyết, nên sẽ không thể đánh giá dựa trên tiêu chuẩn “hay”. Nhưng nếu hiểu “hay” là một cách khác để diễn tả nghĩa “tốt” thì một đề thi được coi là "tốt" khi nó thỏa mãn các tiêu chí như: Đánh giá đúng năng lực cần đo lường; phù hợp với đối tượng và mục tiêu của kỳ thi; khả thi trong điều kiện thực tế; rõ ràng, minh bạch, dễ hiểu và dễ chấm.

Áp dụng các tiêu chí trên vào kỳ thi tốt nghiệp THPT của Việt Nam, ta thấy mục tiêu và đối tượng của kỳ thi là đánh giá năng lực sử dụng tiếng Anh trong đời sống ở mức độ B1 và dành cho học sinh đã học xong chương trình giáo dục phổ thông. Vì đây là một kỳ thi có mục tiêu kép là vừa đánh giá việc đạt các năng lực tối thiểu của chương trình, vừa dùng để lựa chọn thí sinh giỏi đại học, nên đề thi không chỉ nhằm đánh giá việc đạt năng lực tối thiểu của thí sinh xét theo mục tiêu của chương trình học mà còn cần cả tính phân hóa.

Thí sinh Hà Nội tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025. (Ảnh: Mạnh Hùng)

Những điểm mới tích cực: Hướng đến đánh giá năng lực thực

So với các năm trước, đề thi năm nay cho thấy một số điểm sáng:

Tăng tính xác thực (authenticity): Ngữ liệu gần với các tình huống giao tiếp đời thường, giúp học sinh vận dụng ngôn ngữ trong bối cảnh có ý nghĩa.

Tập trung vào kỹ năng thay vì kiến thức: Câu hỏi đọc hiểu, suy luận logic, nắm ý chính… xuất hiện nhiều hơn, thể hiện định hướng đánh giá năng lực sử dụng ngôn ngữ thay vì ghi nhớ máy móc.

Đa dạng khía cạnh ngôn ngữ: Các kỹ năng như scanning, skimming, sự mạch lạc và liên kết trong văn bản được chú trọng.

Nội dung cập nhật: Các chủ đề mang tính thời sự, khoa học, xã hội tạo cảm giác gần gũi, định hướng học sinh mở rộng hiểu biết ngoài ngôn ngữ.

Đây là bước chuyển tích cực, tiệm cận với hướng đánh giá hiện đại, đặc biệt nếu đặt trong xu thế đổi mới giáo dục.

Vấn đề lớn nằm ở mức độ khó và tính phù hợp

Tuy nhiên, một đề thi “tốt” không chỉ dừng lại ở tính hiện đại, mà còn cần phù hợp với mục tiêu và đối tượng. So sánh giữa đề thi mẫu (tham khảo) và đề thi chính thức năm nay cho thấy một số điểm chênh lệch đáng chú ý:

Đề mẫu phù hợp và khả thi hơn: Các bài đọc như “Making friends in the sky” hoặc “To save the planet…” có nội dung gần gũi, văn phong đơn giản hơn, phù hợp với trình độ học sinh phổ thông. Mức độ phân hóa vừa phải, đảm bảo đa số học sinh làm được phần cơ bản.

Đề chính thức vượt ngưỡng: Bài đọc về "Greenwashing" chứa nhiều khái niệm khó như decarbonisation, capital outlay..., đòi hỏi nền tảng kiến thức vượt ngoài sách giáo khoa. Một số đoạn văn học thuật cao, cấu trúc câu phức tạp gây choáng ngợp.

Câu hỏi nhiễu, yêu cầu suy luận cao: Nhiều câu hỏi có phương án gây nhiễu sát nhau, cách đặt câu hỏi phức tạp, đòi hỏi kỹ năng paraphrase và đọc hiểu nâng cao - điều vốn không phổ biến với phần lớn học sinh lớp 12.

Áp lực thời gian không tương xứng: Với độ khó như vậy, thời lượng 50 phút là quá ít. Điều này khiến thí sinh khó thể hiện đúng năng lực, nhất là với tâm lý căng thẳng khi gặp đề lạ.

Khi định hướng mới thiếu lộ trình phù hợp

Bài thi tốt nghiệp THPT, với mục đích chính là đánh giá mức độ đạt chuẩn tối thiểu của học sinh toàn quốc, chưa thể đánh giá là một đề thi tốt, dù có nhiều điểm mới mang tính tích cực và được nhiều người đánh giá là “hay”. Có nhiều căn cứ khách quan để tin rằng ngữ liệu của đề thi vượt ngưỡng mục tiêu cần đạt (nhiều yếu tố ngôn ngữ nằm ở mức B2 trong khi mục tiêu cần đạt là B1) và nội dung của đề thi có nhiều điểm quá xa lạ vượt ra ngoài chương trình giáo dục.

Lập luận "đề thi khó thì mọi người cùng khó nên cũng không sao" chỉ được xem là đúng phần nào nếu chúng ta nhìn nhận kỳ thi đơn thuần là một cuộc đua chọn lọc thí sinh vào đại học. Trong khi đó, cần nhớ rằng mục đích chính của kỳ thi tốt nghiệp là đánh giá mức độ đạt chuẩn tối thiểu của học sinh toàn quốc. Khi đề thi quá khó, đa số học sinh không thể hoàn thành tốt, dẫn đến việc chúng ta không thể xác định được các em đã đạt được yêu cầu tối thiểu hay chưa. Điều này làm mất đi ý nghĩa cốt lõi của một kỳ thi tốt nghiệp, vốn phải là thước đo về những kiến thức và kỹ năng cơ bản mà mọi học sinh cần có khi rời ghế nhà trường. Và ngay cả khi xét theo mục tiêu sử dụng như một bài thi tuyển thì việc đưa ra một bài thi quá khó so với mục tiêu giáo dục cũng không bao giờ là việc đáng khuyến khích dưới góc nhìn chuyên môn.

Cần cân bằng giữa đổi mới và phù hợp

Đề thi Tiếng Anh tốt nghiệp THPT 2025 là một nỗ lực đáng ghi nhận trong việc cải tiến kiểm tra - đánh giá. Tuy nhiên, vẫn còn khoảng cách lớn giữa định hướng và cách triển khai thực tế. Nếu chỉ nhìn vào sự đổi mới mà bỏ qua tính khả thi và phù hợp, đề thi sẽ vô tình trở thành rào cản, thay vì công cụ thúc đẩy học tập.

Vì vậy, để đề thi “hay” - hiểu theo nghĩa là một đề thi “tốt”, cần có sự cân bằng giữa mục tiêu phân loại và đánh giá năng lực tối thiểu, giữa tính đổi mới và sự phù hợp với điều kiện thực tiễn. Đặc biệt, việc đặt ra một lộ trình thay đổi phù hợp, có tính đến khả năng thích nghi của học sinh và giáo viên, đồng thời kiểm soát chặt chẽ độ khó của ngữ liệu và câu hỏi, sẽ giúp kỳ thi tốt nghiệp THPT phát huy tối đa vai trò, vừa là công cụ đánh giá chính xác, vừa thúc đẩy chất lượng dạy và học tiếng Anh trên cả nước.

Theo VnExpress
https://vietnamnet.vn/de-thi-tieng-anh-tot-nghiep-thpt-2025-kho-vuot-ngoai-chuong-trinh-giao-duc-2416763.html
Copy Link
https://vietnamnet.vn/de-thi-tieng-anh-tot-nghiep-thpt-2025-kho-vuot-ngoai-chuong-trinh-giao-duc-2416763.html
Bài liên quan
Tăng cường tính minh bạch trong quá trình chấm thi tốt nghiệp THPT 2025
Thông tin từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, các đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo thi cấp quốc gia và đoàn kiểm tra chấm thi của Bộ sẽ thực hiện kiểm tra công tác chấm thi ở tất cả các Hội đồng thi, để tăng cường tính nghiêm minh của công tác chấm thi.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đề thi tiếng Anh tốt nghiệp THPT 2025 khó, vượt ngoài chương trình giáo dục?