Thông tin từ ông Nguyễn Ngọc Hà - Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT), Bộ định hướng xây dựng ngân hàng câu hỏi thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 có “tính mở”, phát huy trí tuệ toàn ngành. Câu hỏi thi được lựa chọn từ đề khảo sát của sở GD&ĐT, trường, đề kiểm tra học kỳ… Các đơn vị gửi đề thi, kèm kết quả chấm thi để cơ quan chuyên môn của Bộ GD&ĐT phân tích bằng lý thuyết khảo thí. Những câu hỏi “tốt” sẽ được lựa chọn vào thư viện câu hỏi thi và từ đó có ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa.
Bày tỏ tâm đắc với định hướng này, ông Đinh Văn Khâm cho rằng, nếu tích cực, chủ động và chỉ đạo đồng bộ, cả nước cùng làm sẽ nhanh chóng có được ngân hàng đề với bộ câu hỏi sát thực tiễn. Không chỉ phục vụ cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT, ngân hàng đề còn hỗ trợ các sở GD&ĐT, nhà trường trong kiểm tra, đánh giá học sinh một cách khách quan, độc lập.
Điều lệ nhà trường ghi rõ trách nhiệm kiểm tra định kỳ là của hiệu trưởng. Nhưng hiệu trưởng, ban giám hiệu không thể ra đề kiểm tra nên phải trông chờ vào giáo viên trực tiếp giảng dạy. Tự dạy, tự kiểm tra, đánh giá thì khó khách quan vì yếu tố chủ quan của giáo viên dạy vẫn cao.
Bởi vậy, nếu có một ngân hàng câu hỏi đủ lớn để các nhà trường khai thác, xây dựng đề kiểm tra, đánh giá định kỳ độc lập với việc dạy của giáo viên thì rất ý nghĩa. Khi đó, hiệu trưởng tin cậy vào kết quả đánh giá học sinh; giáo viên phải nỗ lực dạy để trò đạt chất lượng tốt.
Với những tác động tích cực như vậy, ông Đinh Văn Khâm đề nghị Bộ GD&ĐT sớm triển khai xây dựng ngân hàng đề. Hình thành cộng đồng giáo viên để xây dựng ngân hàng đề thi cho các cấp học, không chỉ cho thi tốt nghiệp THPT, thì mới có ý nghĩa sâu rộng.
Bà Lê Thị Hương - Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Trị cũng đánh giá cao cấu trúc định dạng đề thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 vì bảo đảm dạy học thực chất ở cơ sở, có nhiều nội dung kế thừa và phát triển.
Bày tỏ mong muốn Bộ GD&ĐT quan tâm lựa chọn đội ngũ ra đề thi, đây là yếu tố quan trọng quyết định chất lượng đề thi, bà Lê Thị Hương cho rằng, người làm đề cần bảo đảm năng lực chuyên môn, trung thực, có kinh nghiệm, kỹ năng tốt. Đây là công việc khó khăn nên cần có chính sách tạo động lực cho đội ngũ, như thi đua khen thưởng, chế độ với người ra đề. Cấu trúc đề thi cần ổn định, ít nhất 5 năm, để thuận lợi trong quá trình dạy học, ôn tập trong nhà trường.
Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Lạng Sơn Hà Thị Khánh Vân kiến nghị Bộ GD&ĐT tiếp tục tổ chức tập huấn, bồi dưỡng công tác xây dựng ngân hàng câu hỏi thi; công bố sớm đề minh họa và có hướng dẫn trong công tác kiểm tra, đánh giá kỹ lưỡng hơn; đặc biệt với môn mới đưa vào Kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 như Tin học, Công nghệ.
“Chúng tôi mong Bộ GD&ĐT kiên trì định hướng và tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT. Cùng với kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia, đây là kỳ thi có độ tin cậy cao, tổ chức khoa học, bài bản nhất. Cũng mong các trường đại học tin tưởng sử dụng kết quả kỳ thi làm căn cứ xét tuyển, giúp giảm áp lực cho học sinh, giảm chi phí cho xã hội”. - Bà Lê Thị Hương - Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Trị