Đề thi Toán vào lớp 10 năm học 2024-2025 của TP.Hồ Chí Minh được nhận định có tính ứng dụng cao, tiệm cận với đánh giá năng lực.
Nhận định chung về đề thi môn Toán, thầy Nguyễn Mạnh Cường, giáo viên Hệ thống giáo dục Hocmai cho rằng: Đề thi giữ được tính ổn định về cấu trúc so với năm học 2023-2024.
Bên cạnh đó, đề thi vẫn có sự phân hóa (tăng độ khó ở một số câu hỏi) để đảm bảo yêu cầu, tính chất của một đề thi tuyển sinh. Trong bối cảnh là kỳ thi tuyển sinh cuối cùng thực hiện theo Chương trình giáo dục phổ thông 2006 và chỉ tiêu lớp 10 vào 113 trường THPT công lập giảm mạnh (giảm 6274 chỉ tiêu so với năm học 2023-2024) thì đề thi cũng gây khó khăn nhất định cho học sinh.
Đề thi gồm 8 bài toán lớn, có tính ứng dụng thực tế cao, tiệm cận với xu hướng đánh giá năng lực. Mỗi bài gồm nhiều ý nhỏ với cấu trúc điểm ổn định và được sắp xếp theo thứ tự từ dễ đến khó.
Về phạm vi kiến thức và độ khó: So với đề thi năm học 2023-2024, đề năm 2024-2025 có cấu trúc tương đồng và có sự gia tăng về độ khó. Nội dung đề thi nằm trong chương trình THCS và không chứa kiến thức tinh giản. Hầu hết các câu hỏi trong đề thi đều là các dạng bài quen thuộc, tương tự các đề thi của những năm gần đây.
Kể từ bài số 5 trở đi, mặc dù vẫn là các dạng bài quen thuộc nhưng đã tăng về độ khó, đòi hỏi thí sinh phải có kĩ năng đọc hiểu tốt, và câu hỏi cũng nhằm kiểm tra khả năng lập luận và tư duy logic của thí sinh. Đây là xu hướng tất yếu bám sát mục tiêu đánh giá năng lực. Nhận định cụ thể về từng câu hỏi trong đề như sau:
Bài 1,2: Có dạng thức quen thuộc, ở mức cơ bản và có độ khó tương đồng với đề thi năm 2023-2024, thí sinh có thể hoàn thành tốt hai câu hỏi này.
Bài 3: Là dạng bài cho biểu thức biểu diễn mối quan hệ giữa các đại lượng, có yếu tố thực tiễn (mối liên hệ giữa chiều rộng và chiều dài của hình chữ nhật). Thí sinh cần đọc hiểu các dữ kiện trong đề bài để tìm được hướng làm bài. Đề bài không cho sẵn công thức tính, đòi hỏi thí sinh cần hiểu các dữ kiện và xây dựng công thức để xử lí. Đây là một xu hướng đề ra tiệm cận với yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Bài 4: Là câu hỏi liên quan đến bài toán tối ưu gắn liền với thực tế, thí sinh chỉ cần đọc kĩ và phân tích các dữ kiện của đề bài là có thể hoàn thành.
Bài 5: Là bài toán về hình học không gian. Mặc dù đề bài đã cho sẵn công thức nhưng để tìm ra kết quả của ý b đòi hỏi học sinh cần đọc kĩ các dữ kiện, hình dung rõ ràng về mặt hình ảnh (mặt cầu nội tiếp hình trụ hoặc hình lập phương) và xác định hướng làm bài để tìm ra kết quả của bài toán.
Bài 6: Đây là dạng bài thực tế có liên quan đến hàm số bậc nhất (tương tự bài 5 của đề thi năm 2023) nhưng nhỉnh hơn về độ khó. Các dữ kiện đề bài đưa ra rất cụ thể và tường minh. Đây là dạng bài yêu cầu khả năng đọc hiểu nên thí sinh cần chọn lọc các thông số mấu chốt của bài toán để xác định được hướng giải và tìm ra kết quả của bài toán.
Bài 7: Đây là bài toán nhằm đánh giá khả năng đọc hiểu và tư duy logic của thí sinh. Tuy đây là một dạng bài không mới (giải bài toán bằng cách lập hệ phương trình) nhưng để giải quyết được bài toán này, đòi hỏi thí sinh phải có tư duy rõ ràng, mạch lạc và khả năng phân tích, lập luận tốt.
Bài 8: Đây là dạng bài quen thuộc liên quan đến tứ giác nội tiếp, các bài toán chứng minh vuông góc, góc bằng nhau và chứng minh công thức và ý c vẫn là ý dung để phân loại thí sinh, là ý lấy điểm 10.
Nhìn chung, cấu trúc đề thi năm 2024-2025 hướng đến đánh giá năng lực toàn diện của người học, có tính thời sự và tiệm cận với yêu cầu của chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Đề bài dài nhưng khá hợp lý. Đề thi đảm bảo về cấu trúc và độ khó của câu hỏi, phù hợp với thực tế học tập của thí sinh và có độ phân hóa tốt.