Để trò hứng thú với bữa ăn bán trú

08/09/2023, 10:30
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Ngay sau khai giảng năm học mới, nhiều trường học tại TPHCM, Hà Nội đã tổ chức bán trú cho học sinh.

Các cơ sở giáo dục đặc biệt chú trọng đến chất lượng bữa ăn học đường an toàn, đủ dinh dưỡng.

Giám sát chặt chẽ đầu vào, đầu ra

Năm học 2023 - 2024, Trường Tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai (quận Gò Vấp) có khoảng 1.400 học sinh, trong đó 960 em đăng ký tham gia bán trú. Cô Hiệu trưởng Đỗ Thị Mai cho biết, để tổ chức bữa ăn bán trú, cuối năm học 2022 - 2023, ban giám hiệu tổ chức họp phổ biến thông tin và đăng ký trên tinh thần tự nguyện của phụ huynh.

Vì vậy, trước khi khai giảng năm học mới, nhà trường chuẩn bị tốt các điều kiện như dụng cụ, cơ sở vật chất để tổ chức bán trú. Ngoài ra, ban giám hiệu cũng phân công các cô bảo mẫu sắp xếp vật dụng phục vụ nghỉ trưa cho học sinh tại trường.

Hàng ngày từ 4 giờ 30 phút, bộ phận nhà bếp của Trường Tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai bắt đầu làm việc. Công việc đầu tiên và vô cùng quan trọng là tiếp nhận thực phẩm. Theo cô Mai, trường ký hợp đồng đặt mua thực phẩm từ đơn vị cung cấp nằm trong chuỗi cung ứng đạt chứng nhận an toàn thực phẩm của thành phố, đầy đủ về pháp lý.

“Nhân viên được phân công tiếp nhận phải có trách nhiệm giám sát cả về chất lượng, số lượng thực phẩm. Việc nhập hàng chưa sơ chế sẽ vất vả một chút nhưng tỷ lệ an toàn cao, đồng thời tiết kiệm chi phí để nâng cao chất lượng bữa ăn, bởi nếu nhập thực phẩm đã qua sơ chế rất khó để kiểm soát, nhận biết độ tươi ngon”, cô Hiệu trưởng Đỗ Thị Mai thông tin.

“Đúng 10 giờ 45 phút, nhân viên nhà bếp cùng bảo mẫu bắt đầu vận chuyển đồ ăn lên từng phòng học, sau đó chia vào khay và đưa đến bàn của học sinh. Thực đơn mỗi bữa trưa gồm 4 món: Canh, mặn, xào và tráng miệng. Học sinh ăn trưa từ 11 giờ 10 phút, sau khi kết thúc buổi học sáng. Với 30.000 đồng/suất, trò được dùng bữa chính trưa và bữa nhẹ buổi chiều”, cô Mai chia sẻ.

Tương tự, Trường Mầm non Thiên Ân (TP Thủ Đức) triển khai cho trẻ các độ tuổi học bán trú ngay từ ngày khai giảng. Cô Hiệu trưởng Thái Thị Hồng Nhung cho hay, năm học này, 185/185 trẻ đăng ký ăn bán trú.

Nhà trường thường xuyên theo dõi, giám sát chặt chẽ các khâu từ tiếp nhận thực phẩm, sơ chế, chế biến, chia từng suất ăn. Thực đơn của trẻ được thay đổi hằng ngày, hằng tuần, bảo đảm cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cần thiết. Với quy trình bếp ăn một chiều, nhà trường luôn giám sát chặt chẽ công tác vệ sinh an toàn trong từng bữa ăn cho trẻ. Thức ăn hằng ngày được nhà trường lưu mẫu theo đúng quy định và có sổ sách ghi chép, theo dõi đầy đủ.

“Bữa ăn bán trú có vai trò quan trọng nên bộ phận bếp luôn tính toán lên thực đơn kỹ càng, đảm bảo cả lượng và chất. Mỗi bữa cơm phải đúng số lượng, thực đơn. Nhà trường xác định điều cốt yếu của việc tổ chức bán trú là khâu chọn lựa thực phẩm uy tín, chất lượng, có nguồn gốc rõ ràng”, cô Nhung cho hay.

Học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai hào hứng trong bữa ăn bán trú. ảnh 1
Học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai hào hứng trong bữa ăn bán trú.

Chuẩn hóa thực đơn

Thời gian qua các trường THPT tổ chức ăn bán trú trên địa bàn TPHCM triển khai bữa ăn bán trú cho học sinh theo “Bộ thực đơn học sinh THPT” do Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM khuyến nghị.

Theo đó, thực đơn dành cho trẻ 15 - 18 tuổi được xây dựng dựa trên khuyến nghị dinh dưỡng cho người Việt Nam năm 2016, hướng dẫn khoa học về dinh dưỡng tiết chế cho trẻ em. Bộ thực đơn gồm 14 thực đơn có năng lượng 2.100 Kcal và 14 thực đơn có năng lượng 2.500 Kcal được thiết kế với các món ăn thay đổi trong 2 tuần, bảo đảm cung cấp đủ nhu cầu năng lượng và chất dinh dưỡng cần thiết ở mức tối thiểu cần có.

Trường THPT Trần Quang Khải (Quận 11) thời gian qua phối hợp với công ty cung cấp thức ăn công nghiệp tổ chức bữa ăn bán trú cho 350 học sinh. Theo đó, mỗi suất ăn của học sinh phải đóng là 35 nghìn đồng. Về thực đơn, thứ 6 hằng tuần, công ty sẽ gửi thực đơn của tuần kế tiếp. Nhà trường triển khai cho học sinh đăng ký. 8 giờ sáng hằng ngày, bộ phận giám thị đi điểm danh học sinh bán trú để nắm số lượng và báo cho phía cung cấp thức ăn để chuẩn bị suất cơm.

“Nhà trường nhận được “Bộ thực đơn học sinh THPT” từ Phòng Chính trị tư tưởng (Sở GD&ĐT TPHCM) triển khai và áp dụng từ đầu năm 2023. Thực đơn bữa ăn bán trú tại trường gồm: Món xào, canh, món mặn, hoa quả và thay đổi từng ngày. Cơm canh các em ăn thoải mái. Trong quá trình ăn, ban giám hiệu cùng các giáo viên quản lý đều có mặt để rà soát, nắm bắt tình hình. Từ đó, nhà trường có điều chỉnh làm sao bữa ăn bảo đảm dinh dưỡng và hợp sở thích ăn uống cho học sinh”, thầy Hiệu trưởng Nguyễn Tấn Tài chia sẻ.

Trường THPT Trần Nhân Tông (quận Bình Tân) có bếp ăn riêng phục vụ nhu cầu bán trú cho học sinh. Để cung cấp đầy đủ dinh dưỡng và an toàn cho bữa ăn, nhà trường lựa chọn cơ sở cung cấp thực phẩm có uy tín, địa chỉ rõ ràng và ký hợp đồng cam kết trách nhiệm. Đặc biệt, nhân viên nhà bếp thường xuyên được tập huấn kiến thức về vệ sinh an toàn thực phẩm và khám sức khỏe định kỳ.

Cô Nguyễn Thị Mỹ Lệ, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Hằng ngày, khi tiếp nhận thực phẩm, nhân viên đều ghi sổ với sự giám sát chặt chẽ của cán bộ phụ trách. Đặc biệt thực đơn được lên theo nhóm với nhiều món đa dạng để nhà trường lựa chọn từng bữa ăn cho học sinh”.

Học sinh Trường Tiểu học Thúy Lĩnh (quận Hoàng Mai, Hà Nội) ăn bán trú. ảnh 2
Học sinh Trường Tiểu học Thúy Lĩnh (quận Hoàng Mai, Hà Nội) ăn bán trú.

An toàn cho học sinh là mục tiêu hàng đầu

Năm học 2023 - 2024 là năm thứ hai cô trò Trường Tiểu học Thúy Lĩnh (quận Hoàng Mai, Hà Nội) được học trong ngôi trường mới được xây dựng khang trang, hiện đại với tổng kinh phí 77,5 tỷ đồng. Sự đầu tư đồng bộ không chỉ góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, mà còn giúp nhà trường đủ điều kiện tổ chức bữa ăn bán trú an toàn, nâng cao sức khỏe của học sinh cũng như các thầy, cô giáo.

Cô Đàm Thị Kim Dung - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thúy Lĩnh - thông tin: Từ khi công trình được khởi công, nhà trường đã đề xuất đơn vị thi công lưu tâm đến công trình phục vụ công tác bán trú. Không chỉ có bếp ăn một chiều đạt chuẩn, trang thiết bị hiện đại, nhà trường còn có nhà ăn riêng cho học sinh.

Ngay trong ngày khai giảng, bếp ăn được khởi động để phục vụ giáo viên và học sinh. Trước đó, trong thời điểm học sinh nghỉ hè, ban giám hiệu đã cẩn thận đánh giá từng tiêu chí để lựa chọn đơn vị cung cấp suất ăn, sát sao khi lên thực đơn bán trú hằng tuần và công khai để phụ huynh tiện theo dõi.

Nhà trường cũng quán triệt sâu sắc đến nhân viên bếp ăn, y tế và cán bộ giáo viên về tầm quan trọng của việc đảm bảo an toàn thực phẩm trong trường học. Bên cạnh đó, học sinh, đặc biệt là lớp 1 những ngày đầu năm học mới được truyền thông về bữa ăn bán trú, nội quy và giờ ăn bán trú.

Cô Nguyễn Khánh Huyền - Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Lân (quận Thanh Xuân) - chia sẻ: Nhận thức tầm quan trọng của công tác bán trú, nhà trường đã đầu tư về cơ sở vật chất và nhân lực phục vụ cho bếp ăn như phòng ăn đủ chỗ cho hơn 400 học sinh và giáo viên, nhân viên; ký hợp đồng với công ty thực phẩm sạch để chế biến món ăn hằng ngày.

Bếp ăn của nhà trường đủ tiêu chuẩn bếp một chiều theo từng khu vực: Tập kết thực phẩm tươi sống; sơ chế; khu vực nấu, chế biến; bảo quản thức ăn chín... Phòng ăn thường xuyên được tổng vệ sinh, có đủ ánh sáng, quạt trần và nhiều quạt treo tường để học sinh đủ mát khi ăn cơm vào mùa Hè.

Năm nay, nhà trường tổ chức bán trú ngay từ đầu năm học. Cũng như mọi năm, bếp ăn bán trú đưa tiêu chí an toàn sức khỏe cho học sinh lên hàng đầu. Từ khâu lựa chọn đơn vị cung cấp thực phẩm, tổ chức nấu ăn đến đầu ra là từng suất ăn cho học sinh đều được nhà trường giám sát kỹ càng, cẩn trọng.

Chị Nguyễn Thị Thanh Hằng, phụ huynh học sinh Trường THCS Nguyễn Lân, tâm sự: Nhà trường tổ chức bữa ăn bán trú tạo thuận lợi cho phụ huynh vì không phải tranh thủ về buổi trưa để đón con. Thực đơn luôn được công khai trên website nhà trường, có sự giám sát của đại diện cha mẹ học sinh.

Cô Đỗ Thị Mai chia sẻ: “Nhằm tạo hứng thú cho bữa trưa, trước giờ ăn, giáo viên và nhân viên bán trú cùng giới thiệu cho học sinh về món ăn, trò chuyện về cách chế biến các món, lợi ích của việc ăn đủ chất. Ngoài ra, để rèn luyện tính kỷ luật, học sinh được xếp hàng theo thứ tự, bưng khay của mình. Trong khi ăn, các em được hướng dẫn ngồi ngay ngắn, ăn gọn gàng. Sau khi ăn, học trò tự thu dọn sạch sẽ chỗ ăn của mình; để chén bát, khay ăn vào đúng nơi quy định, phân loại rác…”.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Để trò hứng thú với bữa ăn bán trú