Trong đó cũng chỉ quy định về mặt nguyên tắc để đảm bảo công khai, minh bạch và bình đẳng giữa các cơ sở đào tạo; đồng thời để các cơ sở giáo dục đại học thống nhất thực hiện trong việc tuyển sinh và quy định Bộ GD&ĐT chỉ đạo tổ chức thanh tra, kiểm tra việc thực hiện Quy chế.
Bộ GD&ĐT khẳng định, dù điểm học bạ có được sử dụng cho việc xét tuyển đại học hay không, nhà trường phổ thông vẫn phải có biện pháp bảo đảm tin cậy, công bằng, đánh giá đúng kết quả học tập của người học.
Xét tuyển đại học qua học bạ là một phương pháp xét tuyển phổ thông nhiều nền giáo dục tiên tiến đã áp dụng.
Về mặt lý thuyết, xét tuyển bằng học bạ là hình thức tiên tiến nếu phản ánh đúng năng lực học sinh, kèm theo đó là chất lượng dạy học, kiểm tra, đánh giá phải đồng đều ở tất cả địa phương và phải bảo đảm công bằng, minh bạch.
Khi đó, xét tuyển bằng học bạ sẽ đủ độ tin cậy và mang lại ý nghĩa. Qua đó, xét tuyển đại học qua học bạ trở thành động lực cho học sinh học hành chăm chỉ, nghiêm túc hơn và có kết quả tốt hơn.
Bên cạnh đó, một số cơ sở giáo dục đại học đã dùng kết quả học bạ kết hợp chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế hay có thêm bài phỏng vấn, bài luận, kiểm tra đánh giá tư duy, đánh giá năng lực để xét tuyển. Phương án này làm gia tăng độ tin cậy và bảo đảm công bằng hơn so với việc các trường chỉ đơn thuần xét tuyển bằng điểm học bạ THPT.