Bổ sung một số trường hợp kiểm soát đặc biệt, các phương án xử lý như chuyển giao bắt buộc, có phương án phá sản. Đánh giá tổng thể thực trạng như tổ chức kiểm toán độc lập, hoặc Kiểm toán Nhà nước...
Liên quan đến vấn đề hỗ trợ thanh khoản, theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, để xử lý các khủng hoảng tài chính có nguy cơ gây mất an toàn hệ thống, pháp luật một số quốc gia đều có các cơ chế này.
Tờ trình dự án luật của Chính phủ dẫn kinh nghiệm của một số nước. Tại Thụy Sỹ có quy định Ngân hàng Trung ương Thụy Sỹ thực hiện vai trò người cho vay cuối cùng. Với chức năng này, Ngân hàng Trung ương cung cấp hỗ trợ thanh khoản khẩn cấp cho 1 hoặc nhiều ngân hàng nội địa nếu các ngân hàng này không còn đủ khả năng cấp vốn cho các hoạt động của mình trên thị trường.
Với ngân hàng Credit Suisse, để hỗ trợ Ngân hàng UBS mua lại Credit Suisse, Chính phủ Thụy Sỹ đã bảo lãnh cho khoản lỗ trị giá khoảng 9 tỷ CHF của CS và Ngân hàng Trung ương cho vay hỗ trợ thanh khoản 100 tỷ CHF cho UBS để thực hiện việc mua lại Credit Suisse.
Đứng trước những cuộc khủng hoảng như của Silicon Valley Bank (SVB) và Signature Bank, củng cố niềm tin của người dân đối với hoạt động ngân hàng, tránh việc đổ xô rút tiền hàng loạt, cơ quan cấp phép đã tiến hành đóng cửa ngân hàng, chỉ định Tập đoàn Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (FDIC) là tổ chức tiếp nhận và chuyển giao toàn bộ hoạt động của ngân hàng đổ vỡ cho ngân hàng bắc cầu để tiếp tục duy trì việc cung ứng dịch vụ ngân hàng, tài khoản cho các khách hàng hiện hữu trước khi được chuyển nhượng cho tổ chức nhận chuyển nhượng.
Để ngăn ngừa nguy cơ lan truyền rút tiền hàng loạt, FDIC đã tuyên bố bảo đảm cho tất cả các khoản tiền gửi tại SB và Signature Bank (bao gồm cả tiền gửi vượt hạn mức bảo hiểm và tiền gửi không được bảo hiểm).
Giảm tỷ lệ sở hữu vốn
Đối với các vấn đề như siết sở hữu chéo, sân sau và lạm quyền cấp tín dụng cho một nhóm cổ đông nhà băng, dự thảo đưa ra quy định. Cụ thể, một cá nhân dự kiến không được sở hữu quá 3% vốn điều lệ một tổ chức tín dụng (hiện nay là 5%).
Một cổ đông là tổ chức không được sở hữu vượt quá 10% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng (hiện là 15%).
Cổ đông và người có liên quan không được sở hữu quá 15% (giảm 5% so với quy định hiện nay) vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng. Cổ đông lớn của một ngân hàng và người có liên quan được sở hữu tối đa 5% vốn điều lệ của nhà băng khác.
Dư nợ cấp tín dụng tối đa với một khách hàng cũng dự kiến giảm từ mức 15% như hiện hành xuống còn 10%, tính trên vốn tự có của ngân hàng. Tổng dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng và người có liên quan tối đa 15% vốn tự có (giảm so với quy định là 25%).
Theo dự thảo, Thủ tướng sẽ quyết định mức cấp tín dụng tối đa vượt quá các giới hạn vay trong trường hợp đặc biệt khi khả năng hợp vốn của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chưa đáp ứng đủ.