Với việc một Đại biểu Quốc hội kiến nghị xem lại quy định về quản lý dạy thêm và đề xuất xem dạy thêm là nghề kinh doanh có điều kiện để quản lý, cô giáo Nguyễn Thị Thanh cho rằng, dù được quy định nhưng chắc chắn ở Việt Nam khó quản lý việc này.
“Học thêm, dạy thêm vẫn có thể tràn lan vì đó là xuất phát từ tâm lí phụ huynh. Ở Việt Nam bố mẹ thật sự là không hiểu con, không biết khả năng con mình đến đâu, mà tâm lí thấy người ta cho con đi học mình cũng cho đi học”- cô Thanh nói.
Giáo viên này cũng cho rằng, học thêm chính đáng không có gì sai nhưng cần phân loại học sinh ai nên đi ai không nên đi. Cần có các kì thi năng lực học sinh để phân loại năng lực của học sinh.
“Ở Nhật Bản học giỏi là cũng phải có điều kiện nên những bạn học trung bình ít đi học thêm. Trường juku học phí rất đắt tính cả bằng tiền trăm triệu nên không phải phụ huynh nào cũng cho con đi học tràn lan được ”- cô Thanh chia sẻ.
Thầy Trần Mạnh Tùng – Giáo viên Toán tại Hà Nội cho rằng, trước 2019, các sở giáo dục chịu trách nhiệm thẩm định, cấp phép dạy thêm (các trung tâm BDVH, trung tâm ngoại ngữ, tin học…).
Từ năm 2019, một số điều của thông tư 17 không còn hiệu lực, các sở giáo dục tạm dừng gia hạn, dừng cấp phép mới cho việc dạy thêm dẫn đến việc quản lí dạy thêm, học thêm bị bỏ lửng.
Cũng từ năm 2019, Bộ GD&ĐT đã đề xuất Bộ KHĐT đưa dịch loại hình dạy thêm vào danh mục “ngành nghề kinh doanh có điều kiện” nhưng tới nay (2023) vẫn chưa được thông qua.
Thầy Tùng cho rằng, để giảm các tiêu cực phát sinh thì cần có các quy định rõ ràng và quản lí chặt chẽ, nghiêm minh. Nếu dạy thêm là loại hình kinh doanh có điều kiện thì việc thẩm định, cấp phép và giám sát, đánh giá sẽ hiệu quả hơn. Từ đó, các giáo viên, các nhà trường sẽ nghiêm túc thực hiện hơn so với hiện nay, bởi vi phạm thì chế tài xử lí sẽ mạnh hơn (phạt tiền, rút giấy phép,…).
Thầy Tùng chỉ ra thực tế, hiện nay, các mặt trái của dạy thêm, học thêm có ở khắp mọi nơi, tạo ra nhiều hệ lụy, khó khăn, áp lực cho xã hội. Thông tư 17 đã sửa đổi cũng không còn phù hợp.
“Trước khi dạy thêm được đưa vào thành ngành nghề kinh doanh có điều kiện, tôi đề nghị Bộ GD&ĐT cần sửa điều 4 của thông tư 17, ban hành quy định: Giáo viên không được dạy thêm học sinh mà mình dạy chính khóa. Chỉ cần có quy định này thì hầu hết các tiêu cực của dạy thêm hiện nay sẽ được loại trừ”- ông Tùng đề nghị.
Thầy Tùng cho rằng, nếu đề nghị của Bộ GD&ĐT được chấp thuận, dạy thêm không bị tràn lan, biến tướng thì cần có giải pháp đồng bộ như cần có các quy định rõ ràng, khả thi: Bộ GD&ĐT tiếp tục đề nghị để sớm hiện thực hóa quy định dạy thêm là loại hình kinh doanh có điều kiện. Bên cạnh đó, Bộ cũng cần có các văn bản hướng dẫn về mặt chuyên môn theo ngành dọc.
Cần phân cấp, phân quyền quản lí, giám sát việc dạy thêm một cách hiệu quả, có trách nhiệm (trường học, phòng giáo dục, sở giáo dục, phường xã, quận huyện,…).
Cần tuyên truyền để giáo viên, phụ huynh và xã hội hiểu rõ các quy định; đặc biệt phụ huynh cần biết khi nào thì con em mình cần học thêm và học như thế nào.
Đặc biệt, theo giáo viên này, cần tiếp tục đổi mới chương trình; đổi mới dạy, học theo hướng tiếp cận năng lực người học; thay đổi cách thi cử theo hướng giảm áp lực, giảm căng thẳng.
Bên cạnh đó, cần đầu tư nhiều hơn cho giáo dục, xây thêm trường lớp, tạo thêm các loại hình học tập đáp ứng nhu cầu chính đáng của người học; tạo thêm các hệ sinh thái để tăng cường việc tự học, tự giáo dục.
Cấm tuyệt đối dạy thêm, học thêm là không đúng với quy luật kinh tế thị trường TS Nguyễn Tùng Lâm - Phó Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam cho rằng, không ai cấm việc dạy thêm, mà là cấm việc dạy thêm tràn lan, vô lối. Tức là chúng ta chống cái tiêu cực thôi. Còn quyền của người học là được học, họ cần học thì phải được học. Có người cần học thì phải có người dạy. Chúng ta cấm cái tràn lan, liên tục, có hại cho trẻ, chứ không cấm dạy cho các em học sinh yếu kém, hay bổ trợ thêm kiến thức cho các em học sinh giỏi để các em đi thi. Cấm tuyệt đối dạy thêm, học thêm là không đúng với quy luật kinh tế thị trường. Tức là có cung phải có cầu. Nếu người học có nhu cầu, cần giúp đỡ thì phải đáp ứng yêu cầu của người học. |