Đại biểu Hoàng Đức Thắng - Phó trưởng đoàn chuyên trách tỉnh Quảng Trị - cho rằng, nhiều doanh nghiệp đang “thoi thóp” tồn tại khi khó khăn bủa vây. Điều này thể hiện qua số lượng doanh nghiệp thành lập mới, quay trở lại hoạt động giảm, còn số tạm ngừng giải thể tăng lên.
"Doanh nghiệp nội địa đứng trước nguy cơ giải thể, phá sản và thâu tóm", ông Thắng cảnh báo đồng thời ví dụ, các tập đoàn lớn của Thái Lan hiện sở hữu nhiều doanh nghiệp đầu ngành trong các lĩnh vực, từ sản xuất tới bán lẻ của Việt Nam và thu hàng tỷ USD cổ tức. Điều này khiến nền sản xuất vốn đã ốm yếu càng trở nên rất mong manh.
Đại biểu cũng cho rằng, các thủ tục siết chặt, ách tắc kiểm định ô tô, lãi suất cao là những cú bồi khiến doanh nghiệp thua ngay trên sân nhà. Theo ông, Chính phủ cần thấy rõ để tháo gỡ ngay điểm nghẽn, bởi doanh nghiệp là xương sống nền kinh tế.
“Họ phát triển được thì đất nước mới hưng thịnh, họ suy yếu thì đất nước khó khăn", ông Thắng nhận định, đồng thời kiến nghị bỏ ngay những quy định, thủ tục hành chính không hợp lý, hạn chế tối đa thanh, kiểm tra và khơi thông vốn tín dụng nền kinh tế.
Cùng mối quan tâm, đại biểu Tô Ái Vang - Phó trưởng đoàn chuyên trách tỉnh Sóc Trăng - kiến nghị, Ngân hàng Nhà nước điều hành tín dụng linh hoạt hơn, giao tổng room tín dụng từ đầu năm và điều hành trên cơ sở kế hoạch được lập ra bởi sự thỏa thuận giữa ngân hàng với khách hàng. Tránh tình trạng nửa đầu năm tăng tốc, cuối năm hết room hoặc bị siết lại một cách đột ngột, khiến doanh nghiệp vỡ kế hoạch đầu tư, sản xuất, kinh doanh.
“Các ngân hàng thương mại rà soát lại toàn bộ thủ tục, điều kiện tín dụng, tăng khả năng tiếp cận vốn vay của doanh nghiệp, đẩy nhanh giải ngân gói hỗ trợ lãi suất, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giúp doanh nghiệp giảm bớt khó khăn”, đại biểu nêu.