Bên cạnh những ý kiến lo ngại thì rất nhiều người ủng hộ việc thực hiện đề xuất này. Cụ thể, theo đề xuất của Bộ LĐ-TB&XH có nêu rõ, học sinh, sinh viên được trả tiền làm thêm giờ theo thỏa thuận với người sử dụng lao động căn cứ trên thời gian thực tế làm, khối lượng và chất lượng công việc.
“Không thể phủ nhận việc đi làm thêm đã giúp mình tích luỹ được nhiều trải nghiệm, nhiều kỹ năng cũng như có thêm thu nhập nhưng cũng gây ra nhiều bất cập. Thời còn là sinh viên Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội, mình cũng từng làm nhiều công việc bán thời gian khác nhau. Thời gian đầu mình cảm thấy có thể cân bằng khá tốt giữa việc học và việc đi làm thêm.
Tuy nhiên, càng về sau chương trình học càng khó, ngoài thời gian học trên trường, mình phải dành rất nhiều thời gian để trau dồi, học thêm các kiến thức cũng như làm các đồ án cuối môn học”, Nguyễn Hoài Thương (26 tuổi, Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ về trải nghiệm đi làm thêm khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
Việc ban ngày đi học, tối đi làm thêm ở quán cà phê gần như cả tuần khiến cho cô sinh viên trẻ khi ấy kiệt sức, không còn thời gian rảnh, lúc nào cũng trong tình trạng lờ đờ thiếu ngủ. Thậm chí có những hôm mệt quá, Thương ngủ gật trong giờ học hoặc nghỉ luôn ca học để ngủ bù. Sau một kỳ học thấy con gái có dấu hiệu sa sút sức khoẻ và kết quả học tập, bố mẹ của Thương đã khuyên nhủ con gái nghỉ làm thêm để cân bằng lại cuộc sống.
Hoài Thương chia sẻ với góc nhìn ở thời điểm hiện tại là ủng hộ đề xuất của Bộ LĐ-TB&XH về việc sinh viên đi làm. Nếu được chọn lại, bạn trẻ này vẫn sẽ chọn đi làm thêm, nhưng ở mức độ vừa phải, vừa có thu nhập và trải nghiệm thời sinh viên nhưng cũng không để ảnh hưởng đến sức khoẻ, việc học. Cựu sinh viên Trường Đại học Kiến trúc cho rằng, cần ưu tiên việc học tập, đừng quá đặt nặng về kinh tế khi còn ngồi trên ghế nhà trường bởi sau khi tốt nghiệp, các bạn trẻ sẽ có cả khoảng thời gian dài phía trước để cống hiến, làm việc tạo ra thu nhập.
“Thực tế hiện nay, nhu cầu việc làm thêm của sinh viên là rất lớn. Tuy nhiên, vì thiếu những hiểu biết về pháp luật nên họ không ký kết hợp đồng lao động, bỏ qua các điều kiện, vấn đề quản lý lao động. Trong trường hợp xảy ra tranh chấp, tai nạn lao động thì thường người thiệt thòi sẽ là các bạn học sinh, sinh viên.
Chính vì thế, khi Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) được triển khai áp dụng thì người sử dụng lao động phải thực hiện đúng theo quy định của pháp luật. Khi đó học sinh, sinh viên với vai trò là người lao động sẽ được đảm bảo quyền lợi một cách tốt hơn. Trong trường hợp người sử dụng lao động sai phạm, cơ quan chức năng có thể dựa vào luật để kịp thời chấn chỉnh, xử lý”, luật sư Bùi Quang Thu, Đoàn Luật sư TP Hà Nội nêu quan điểm.