Việc nâng ngưỡng doanh thu chịu thuế là điều mà các hộ kinh doanh đang rất mong chờ, bởi ngưỡng chịu thuế hiện nay áp dụng được 10 năm nay đã không còn phù hợp.
Người mong chờ nâng mức doanh thu buộc đóng thuế GTGT...
Đề xuất nâng ngưỡng doanh thu chịu thuế giá trị giá tăng (GTGT) từ 100 triệu đồng/năm lên mức từ 200 – 300 triệu đồng/năm đối với hộ kinh doanh vừa được Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội tại Phiên họp chuyên đề pháp luật mới đây.
Điều này có nghĩa rằng những hộ kinh doanh có doanh thu dưới 200 triệu đồng/năm đang được đề xuất sẽ không phải đóng thuế GTGT.
Đây là tin vui đối với hàng triệu hộ kinh doanh trên toàn quốc, khi mà ngưỡng chịu thuế hiện tại là 100 triệu đồng/năm, có hiệu lực từ năm 2014 cho đến nay đã "lạc hậu".
Nhiều ý kiến cho rằng doanh thu 200 triệu/năm, tương đương hơn 16 triệu đồng/tháng, với lợi nhuận từ 10-30% thu được thì sau đóng thuế sẽ "không đủ sống".
Hơn nữa, nếu chia 200 triệu đồng cho 12 tháng thì đồng nghĩa, doanh thu tương đương khoảng 16 triệu đồng/tháng mới phải đóng thuế.
Còn nếu áp dụng mức 300 triệu đồng thì mỗi tháng, hộ kinh doanh có doanh thu 25 triệu đồng mới phải đóng thuế.
Bà Nguyễn Thị Lành (56 tuổi) – chủ một cửa hàng tạp hóa ở phố Yên Hòa, (phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội) chờ đợi đề xuất nâng khung doanh thu buộc đóng thuế đã lâu.
Bà Lành cho biết, sức mua của cửa hàng tạp hóa giảm rất nhiều so với nhiều năm trước đây do phải cạnh tranh với thương mại điện tử. Với doanh thu hiện nay, hộ kinh doanh của bà Lành phải đóng thuế gần 400.000 đồng/tháng.
Theo bà Lành: "Cửa hàng tạp hóa của gia đình nhưng vẫn phải đăng ký hộ kinh doanh, nhân lực chủ yếu là vợ chồng tôi thay nhau bán hàng. Coi như là lấy công làm lãi".
"Nếu đề xuất không đánh thuế hộ kinh doanh có doanh thu dưới 200 triệu đồng được thông qua, gia đình tôi không còn thuộc diện phải đóng thuế GTGT. Chúng tôi mong chờ điều này", bà Lành cho hay.
...người lo ngại tiền mất giá
Bên cạnh những sự mong mỏi này, không ít ý kiến bày tỏ lo ngại rằng, việc nâng ngưỡng doanh thu chịu thuế đồng nghĩa lạm phát và giá cả cũng không thể "dậm chân tại chỗ".
Anh Hoàng Văn Dũng (45 tuổi, ở Lạc Long Quân, Tây Hồ) bày tỏ, ở thời điểm này, một suất xôi ngon, đầy đủ cho bữa sáng đã "leo" từ mức 5.000 đồng, 7.000 đồng lên 15.000 đồng/suất và 20.000 đồng/suất. Với một suất cơm bình dân cũng tương tự.
Thực tế, doanh thu cao chỉ là số liệu, trên thực tế, nếu tính cả số tiền quay vòng vốn và mở rộng kinh doanh thì tính ra vẫn là khó khăn đối với hộ kinh doanh.
Do đó, anh Dũng cho rằng, cần cụ thể hóa với từng ngành nghề kinh doanh mà áp mức doanh thu đóng thuế khác nhau.
Tương tự, chị Bùi Thị Hoa (38 tuổi, ở Cổ Nhuế 1, Bắc Từ Liêm) cho rằng, mức đóng 10% thuế GTGT đối với hộ kinh doanh là rất cao.
Bởi khi đã kinh doanh nhỏ lẻ, gia đình thường bố trí nhân sự trong gia đình để bán hàng, lấy công làm lãi.
Anh Đoàn Văn Dự (43 tuổi, ở Hà Nội) cho rằng, nên nâng doanh thu buộc đóng thuế lên 500 triệu đồng/năm sẽ phù hợp hơn bởi với doanh thu trung bình 200 triệu đồng/năm, thì mức doanh thu tương đương chỉ khoảng 16,7 triệu đồng/tháng.
Theo anh Dự, với lợi nhuận của kinh doanh nhỏ lẻ từ 10-30% giá trị hàng hóa, thì doanh thu là không đủ chi trả cho sinh hoạt, cuộc sống.