Đề xuất mạnh dạn bỏ đấu thầu, áp dụng cơ chế đặt hàng trong nghiên cứu khoa học

17/02/2025 14:19

Nhiều đại biểu Quốc hội đề xuất mạnh dạn bỏ cơ chế đấu thầu đối với nghiên cứu khoa học, thay vào đó áp dụng phương thức đặt hàng, khoán chi để tăng tính chủ động, đẩy nhanh tiến độ và nâng cao hiệu quả nghiên cứu...

Đề xuất mạnh dạn bỏ đấu thầu, áp dụng cơ chế đặt hàng trong nghiên cứu khoa học- Ảnh 1.
Đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) nêu ý kiến thảo luận

Tiếp tục Kỳ họp bất thường lần thứ 9, sáng 17/2, Quốc hội thảo luận tại hội trường về Dự thảo Nghị quyết thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Các đại biểu bày tỏ sự đồng tình với việc ban hành Nghị quyết, coi đây là bước đi cần thiết để thể chế hóa các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách theo Nghị quyết số 57 của Bộ Chính trị về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

Việc triển khai Nghị quyết được kỳ vọng sẽ đẩy nhanh thực hiện các nhiệm vụ chiến lược, góp phần đạt mục tiêu tăng trưởng GDP từ 8% trở lên vào năm 2025 và đạt mức hai con số trong giai đoạn 2026-2030.

Mạnh dạn đổi mới cơ chế tài chính trong nghiên cứu khoa học

Nêu ý kiến thảo luận, đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) nhấn mạnh sự cần thiết của việc tăng ngân sách cho khoa học công nghệ, đồng thời chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu. Ông ví nghiên cứu khoa học với khai thác dầu khí: “Có thể 10 mũi khoan mới 1 mũi có dầu. Thậm chí, nghiên cứu còn rủi ro hơn vì khoan dầu thì biết sản phẩm nếu có là dầu, còn khoa học công nghệ không thể biết chắc kết quả ra sao”.

Tán thành quy định đơn giản hóa thủ tục chi ngân sách, đại biểu Hoàng Văn Cường đề xuất mạnh dạn bỏ chính sách đấu thầu, chuyển sang cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ, khoán chi đối với các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học.

Đồng quan điểm, đại biểu Trần Thị Nhị Hà (đoàn Hà Nội) cho rằng mặc dù đã có nhiều chính sách hỗ trợ khoa học công nghệ và chuyển đổi số, nhưng rào cản lớn nhất vẫn nằm ở pháp lý và quy trình hành chính chưa linh hoạt. Những vướng mắc phổ biến như: Cơ chế tài chính chưa linh hoạt, khiến doanh nghiệp dù có quỹ cũng khó giải ngân; quy trình đấu thầu phức tạp, kéo dài thời gian mua sắm công nghệ; thủ tục cấp phép lưu hành sản phẩm khoa học công nghệ và đăng ký bảo hộ trí tuệ còn nhiều bất cập.

Đại biểu Trần Thị Nhị Hà đề xuất bổ sung vào Điều 5, các sản phẩm khoa học công nghệ được đặt hàng, sau khi nghiên cứu thành công thì các đơn vị đặt hàng có thể trực tiếp ký kết hợp đồng, cung cấp sản phẩm với bên nghiên cứu mà không cần phải tuân thủ các quy định đấu thầu. Đồng thời, các bộ, ngành phải dành 20% ngân sách để đặt hàng sản phẩm khoa học công nghệ trong nước.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thương mại hóa kết quả nghiên cứu, đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) cho rằng đây là động lực giúp các nhà khoa học duy trì đam mê nghiên cứu và tạo thêm nguồn kinh phí cho lĩnh vực này. Ông chỉ ra rằng, trên thế giới, nhiều kết quả nghiên cứu đã trở thành “hàng hóa trí tuệ đặc biệt”, trong khi tại Việt Nam, dù đã có một số nghiên cứu được thương mại hóa, nhưng con số này còn rất hạn chế.

“Thậm chí, nhiều nghiên cứu chỉ nằm trong ngăn kéo cho đến khi lỗi thời, mục nát theo thời gian”, ông Trí bày tỏ.

Để tháo gỡ vướng mắc, đại biểu Nguyễn Anh Trí đề nghị rà soát, điều chỉnh các quy định liên quan đến đấu thầu, định giá và chuyển giao công nghệ để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho thương mại hóa các kết quả nghiên cứu.

Trong khi đó, đại biểu Hoàng Minh Hiếu (đoàn Nghệ An) nhấn mạnh vai trò của nhà nước trong việc bảo đảm đầu ra cho các nghiên cứu khoa học trong nước. Ông dẫn chứng kinh nghiệm phát triển ngành công nghiệp chip bán dẫn thế giới cho thấy nếu không có các chương trình của nhà nước trong việc tiêu thụ, sử dụng chip bán dẫn vào thập kỷ 1950, 1960 thì các doanh nghiệp sản xuất chip vào thời điểm đó sẽ không có đủ nguồn lực và động lực để tiếp tục đầu tư nghiên cứu, phát triển chip bán dẫn tiên tiến như ngày nay.

Cũng theo ông Hiếu, việc bảo đảm sử dụng các kết quả nghiên cứu, phát triển trong các chương trình của Nhà nước còn thể hiện sự niềm tin vào năng lực của các nhà khoa học, các tổ chức khoa học và công nghệ trong nước.

Hiện nay, dù Luật Đấu thầu và Luật Khoa học và Công nghệ đã đề cập đến chính sách hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm khoa học công nghệ, nhưng vẫn còn thiếu tính khả thi. Ông Hiếu kiến nghị Quốc hội nghiên cứu, điều chỉnh chính sách để nhà nước đóng vai trò là khách hàng đầu tiên và quan trọng nhất của các sản phẩm khoa học công nghệ trong nước.

Đề xuất mạnh dạn bỏ đấu thầu, áp dụng cơ chế đặt hàng trong nghiên cứu khoa học- Ảnh 2.
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đoàn Đà Nẵng) nêu ý kiến thảo luận

Cơ chế đột phá về quyền sở hữu trí tuệ

Góp ý vào dự thảo Nghị quyết, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (đoàn Đà Nẵng) nhấn mạnh việc thu hút nhân lực chất lượng cao và đón đầu công nghệ mới đòi hỏi đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng khoa học công nghệ.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy đề nghị áp dụng trình tự, thủ tục đặc biệt trong đầu tư kết cấu hạ tầng khoa học, công nghệ bằng nguồn ngân sách Nhà nước; thiết kế cơ chế đầu tư kết hợp giữa ngân sách Nhà nước với vốn ngoài Nhà nước, cùng các nguồn vốn hợp pháp khác (đầu tư bằng tiền, giá trị tài sản, trang thiết bị máy móc; chi phí quản lý vận hành, bảo trì; tài trợ bằng sản phẩm khoa học công nghệ mua từ nước ngoài, mua của doanh nghiệp trong và ngoài nước; hỗ trợ bằng tiền đối với phòng thí nghiệm, thử nghiệm, nhà máy sản xuất quy mô theo yêu cầu của Nhà nước).

Trong đó, giao đất đã giải phóng mặt bằng (đất sạch) bằng hình thức giao đất trực tiếp (không qua đấu giá, đấu thầu dự án có sử dụng đất) và không thu tiền sử dụng đất trong 10 năm trở lên, sau đó miễn giảm 50% tiền sử dụng đất cho thời gian tiếp theo (nếu như dự án có hiệu quả); giao thầu chìa khóa trao tay, chỉ định thầu hoặc đấu thầu rút gọn…

Cũng theo bà Nguyễn Thị Kim Thúy, một trong những vấn đề then chốt có ý nghĩa khuyến khích đổi mới sáng tạo là cơ chế đột phá về quyền sở hữu trí tuệ đối với các sản phẩm từ nghiên cứu khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (trên cơ sở hạ tầng có nguồn vốn Nhà nước hoặc vốn kết hợp giữa Nhà nước và tư nhân) theo hướng “người nghiên cứu được hưởng trọn vẹn quyền sở hữu trí tuệ các sản phẩm này hoặc có sự thỏa thuận giữa người làm ra sản phẩm với cơ quan quản lý Nhà nước”.



Theo baochinhphu.vn
https://baochinhphu.vn/de-xuat-manh-dan-bo-dau-thau-ap-dung-co-che-dat-hang-trong-nghien-cuu-khoa-hoc-102250217124616562.htm
Copy Link
https://baochinhphu.vn/de-xuat-manh-dan-bo-dau-thau-ap-dung-co-che-dat-hang-trong-nghien-cuu-khoa-hoc-102250217124616562.htm
Bài liên quan
Cơ chế đặc biệt tạo đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia
Với 454/458 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, sáng nay (19/2), Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đề xuất mạnh dạn bỏ đấu thầu, áp dụng cơ chế đặt hàng trong nghiên cứu khoa học