Cầu Nhơn Trạch nằm trên Vành đai 3 nối TP HCM - Đồng Nai được đề xuất mở rộng, bổ sung hệ thống giao thông thông minh, thu phí không dừng để đồng bộ toàn tuyến.
Thông tin nêu trong tờ trình phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án thành phần 1A thuộc Vành đai 3 TP HCM, vừa được Bộ Giao thông Vận tải gửi lãnh đạo Chính phủ.
Dự án thành phần 1A dài hơn 8,7 km, kết nối tỉnh lộ 25B (Đồng Nai) đến cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây (TP HCM), tổng mức đầu tư hơn 6.900 tỷ đồng từ vốn vay ODA của Hàn Quốc và nguồn đối ứng trong nước. Dự án gồm hai hạng mục chính, gồm: cầu Nhơn Trạch bắc qua sông Đồng Nai dài 2,6 km, rộng 19,5 m và đường dẫn hai đầu tổng chiều dài gần 5,6 km. Khởi công tháng 9/2022, công trình dự kiến hoàn thành năm 2025.
Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án lên gần 9.270 tỷ đồng, tăng hơn 2.300 tỷ so với hiện nay. Nguồn vốn tăng thêm dùng để bổ sung nhiều hạng mục, như: xây thêm một bên cầu Nhơn Trạch tương tự cầu đang triển khai để mở rộng tuyến; bố trí hệ thống giao thông thông minh (ITS), thu phí không dừng (ETC), trạm kiểm tra tải trọng xe cùng một số giải pháp kỹ thuật khác...
Bộ Giao thông Vận tải cũng kiến nghị điều chỉnh quy mô tuyến đường với vận tốc 80 km/h thành cao tốc 100 km/h. Đồng thời, do bổ sung đầu tư thêm nhiều hạng mục nên dự án được Bộ đề xuất điều chỉnh thời gian thực hiện đến năm 2028.
Theo Bộ Giao thông Vận tải, dự án 1A được phê duyệt đầu tư từ năm 2016. Thời điểm đó, do chưa xác định khi nào sẽ triển khai các đoạn khác của Vành đai 3 TP HCM, nên dự án chưa được thiết kế theo tiêu chuẩn cao tốc. Đến nay, phần còn lại của Vành đai 3 được đầu tư và sẽ khai thác là cao tốc nên dự án 1A cần điều chỉnh lại để đồng bộ toàn tuyến.
Vành đai 3 đi qua TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai và Long An, tổng chiều dài hơn 90 km, đến nay chỉ một đoạn dài hơn 15 km đi qua Bình Dương đã hoàn thành. Đối với phần còn lại, ngoài dự án 1A, phần chưa khép kín của Vành đai 3 dài hơn 76 km, tổng vốn gần 75.400 tỷ đồng đang được các tỉnh, thành thực hiện. Tuyến đường này khởi công giữa năm 2023, dự kiến năm 2026 sẽ hoàn thành, giúp kết nối giao thông liên vùng; thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội cả Vùng trọng điểm phía Nam.