Tuy nhiên, ông Quảng cũng băn khoăn về quy định sau 12 tháng không tham gia BHXH mới có thể rút BHXH một lần, đồng thời đề xuất cơ quan soạn thảo nên cân đối thời gian quy định rút BHXH một lần xuống còn ba tháng. Lý do, sau khi mất việc, NLĐ có thể hưởng bảo hiểm thất nghiệp nhưng nếu sau đó vẫn không tìm được việc mới và không có nguồn tài chính nào khác, NLĐ có thể rút BHXH một lần để kịp thời giải quyết các khó khăn.
Giai đoạn 2016-2021, hơn 4,25 triệu NLĐ tham gia BHXH và 4,06 triệu người rút BHXH một lần. Như vậy, bình quân mỗi năm, gần 700.000 người rút BHXH một lần với số lượng năm sau cao hơn năm trước, tốc độ tăng trung bình 11%.
“Vừa qua, có tình trạng nhiều công nhân mất việc làm nhưng chưa đến thời điểm nhận BHXH, phải đi vay tín dụng đen. Đành rằng chúng ta đưa ra rào cản để giảm rút BHXH một lần nhưng cần lưu ý xem xét quy định này sao cho phù hợp...” - ông Quảng nói.
Phó trưởng Ban Chính sách - Pháp luật cũng cho rằng việc rút BHXH một lần tăng cao thời gian vừa qua ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi trước mắt của NLĐ cũng như chính sách an sinh xã hội lâu dài. Tuy nhiên, cần phải hiểu rút BHXH một lần là việc “cực chẳng đã” của NLĐ, nếu có việc làm, có thu nhập, chắc chắn không ai rút BHXH một lần.
Cần nhiều giải pháp căn cơ, lâu dài
Đại diện Vụ BHXH (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết cơ quan soạn thảo sẽ tiếp thu các ý kiến để hoàn chỉnh dự luật trước khi trình Chính phủ, Quốc hội cho ý kiến.
Cạnh đó, vụ cũng bác quan điểm cho rằng việc đưa ra quy định trên là để tránh nỗi lo mất khả năng cân đối Quỹ BHXH. Quỹ đang hoạt động trên nguyên tắc đóng - hưởng, kèm theo đó là các hỗ trợ của Nhà nước. Nếu chỉ xét về mặt tài chính thì NLĐ càng nhận BHXH một lần nhiều, quỹ càng có lợi. Lý do là NLĐ có thời gian đóng và mức đóng như nhau, nếu trả tiền cho người hưởng BHXH một lần và người hưởng lương hưu nhiều năm thì rõ ràng số tiền trả cho người hưởng lương hưu cao hơn gấp 4-5 lần…
“Tuy nhiên, chính sách chung của Nhà nước là hướng đến đảm bảo an sinh về già cho NLĐ. Do đó, bao giờ Nhà nước cũng khuyến khích NLĐ bảo lưu, tích lũy thời gian đóng để khi về già có lương hưu” - Vụ BHXH nhấn mạnh.
Ngoài hai phương án trực tiếp để NLĐ cân nhắc chọn BHXH một lần nêu trên, Bộ LĐ-TB&XH cũng đưa ra các chính sách mang tính gián tiếp khuyến khích NLĐ ở lại hệ thống BHXH, như giảm năm đóng BHXH từ 20 năm xuống 15 năm, tiến tới 10 năm. Hoặc NLĐ đủ tuổi nhưng chưa đủ năm tham gia BHXH để hưởng lương hưu có thể chọn hưởng trợ cấp hằng tháng từ Quỹ BHXH cho thời gian trước khi đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội. Trong thời gian này, NLĐ được hưởng bảo hiểm y tế do ngân sách nhà nước đảm bảo.
Cũng theo Vụ BHXH, có nhiều nguyên nhân dẫn tới việc người nhận BHXH một lần tăng. Để hạn chế tình trạng này, cần phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Do đó, trong quá trình sửa Luật Việc làm tới đây, Bộ LĐ-TB&XH sẽ đề xuất một số chính sách cụ thể, như chính sách về giới thiệu việc làm, đào tạo việc làm mới cho NLĐ… “Khi các chính sách được liên kết đồng bộ sẽ hỗ trợ NLĐ quay lại thị trường lao động, chắc chắn không ai rút BHXH một lần” - đại diện Vụ BHXH khẳng định.
Hướng đến mục tiêu ai cũng có trợ cấp khi già Chủ trương chung của Nghị quyết 28 và cải cách chính sách BHXH của Ban chấp hành Trung ương lần thứ bảy (khóa XII) là đến năm 2030, ít nhất 60% số người sau độ tuổi nghỉ hưu phải có lương hưu, trợ cấp BHXH hoặc trợ cấp hưu trí xã hội. Theo đó, dự luật đi theo hướng từ chỗ nhiều người già hết tuổi lao động chưa có một khoản tiền nào thì có lương hưu đã, mặc dù thấp. Nhưng từ đó chúng ta mới tiến tới cải thiện mức lương hưu. Tất nhiên, muốn lương hưu cao thì phải đóng cao nhưng số người tham gia để được lương cao thì rất ít. Cạnh đó, nguồn lực chúng ta có hạn, nếu đồng thời muốn có lương hưu và ở mức cao thì không khả thi. Hiện nhiều nước họ cũng đi từng bước như vậy… Ông NGUYỄN DUY CƯỜNG, Phó Vụ trưởng Vụ BHXH (BộLĐ-TB&XH) |