Đề cập đến các giải pháp trong thời gian tới, theo đại biểu đoàn Lạng Sơn, các chỉ tiêu và giải pháp của năm 2024 phải đặt trong tổng thể của giai đoạn 2021 - 2025.
Trong đó, theo ông Phạm Trọng Nghĩa, cần quan tâm đến ba nhóm giải pháp.
Thứ nhất, tăng cầu trong nước, phát triển thị trường nội địa; tiếp tục giảm thuế, phí, lệ phí cho người dân và doanh nghiệp. “Tôi nhất trí kéo dài thời gian giảm thuế VAT đến hết 30/6/2024. Đồng thời, đề nghị Chính phủ chỉ đạo Hội đồng Tiền lương quốc gia tiến hành thương lượng sớm để tăng lương tối thiểu cho người lao động bảo đảm thực hiện từ 1/7/2024 cùng thời điểm với việc thực hiện cải cách tiền lương trong khu vực công”, ông Nghĩa nêu.
Thứ hai, là đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính. Ông Nghĩa đề nghị trong kỳ họp này, Quốc hội yêu cầu tổng soát thủ tục hành chính trên tất cả các lĩnh vực; trong đó, tập trung vào các lĩnh vực liên quan đến đầu tư, sản xuất kinh doanh, đến đổi mới, sáng tạo để báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7.
Thứ ba, là giải pháp tăng cường liên kết vùng. Cụ thể, đại biểu đoàn Lạng Sơn đề nghị Chính phủ khẩn trương xây dựng, trình Quốc hội ban hành luật hoặc nghị quyết về phát triển vùng, tăng cường liên kết vùng làm cơ sở pháp lý cho việc thể chế hóa các quan điểm của Đảng trong 6 nghị quyết nêu trên vào cuộc sống.
Đề cập đến thời hạn làm việc, theo đại biểu Phạm Trọng Nghĩa, người lao động cần được quan tâm, chia sẻ và phải được thụ hưởng tốt hơn từ những thành quả phát triển của đất nước. Vì vậy, ông đề nghị Chính phủ xem xét trình Quốc hội giảm giờ làm việc bình thường cho người lao động trong khu vực tư từ 48 giờ/tuần xuống 44 giờ/tuần, tiến tới 40 giờ/tuần như trong khu vực công (đã được thực hiện từ 1999).
“Đây cũng là xu hướng tiến bộ của đa số các quốc gia trên thế giới. Tôi kính mong các vị đại biểu Quốc hội quan tâm, ủng hộ quy định này”, ông Nghĩa nói.