Theo đó, luật sư của ông Đức Hiển trình bày "tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án xác định rất rõ ông Hiển là một trong số các cá nhân trực tiếp bị thiệt hại về tinh thần (uy tín, danh dự cá nhân) do hành vi phạm tội của bị cáo Nguyễn Phương Hằng gây ra".
Trong đó, luật sư dẫn chứng, tại bản cáo trạng số 236 ngày 25-4-2023 của VKSND TP HCM xác định "Nguyễn Phương Hằng đã có các phát ngôn thông tin bịa đặt, sai sự thật; có nội dung xúc phạm nghiêm trọng uy tín, danh dự cá nhân của ông Nguyễn Đức Hiển".
Bên cạnh đó, luật sư cho rằng "quyền, lợi ích của cá nhân là một trong những khách thể trực tiếp của tội "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân" theo quy định tại điều 331 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017)".
Từ những phân tích khác, luật sư của ông Đức Hiển cho rằng thân chủ của mình đáp ứng đủ điều kiện để được công nhận là bị hại trong vụ án này.
"Việc tòa án không công nhận tư cách bị hại của ông Hiển mà xác định là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, qua đó gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân ông Hiển" - luật sư nêu.
TAND TP HCM lên lịch xét xử vụ án này từ ngày 21 đến 22-9. Chủ tọa phiên tòa là thẩm phán Bùi Đức Nam, thẩm phán dự khuyết là ông Nguyễn Tuấn Anh.
Theo quyết định đưa vụ án ra xét xử, ông Võ Nguyễn Hoài Linh, bà Đặng Thị Hàn Ni, ông Huỳnh Minh Hưng, bà Trần Thị Thủy Tiên cùng chồng Lê Công Vinh, ông Nguyễn Đức Hiển, bà Đinh Thị Lan, bà Lê Thị Giàu, bà Trương Việt Hà, ông Huỳnh Uy Dũng, ông Nguyễn Đình Kim được triệu tập tới tòa với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án.