Về phương án phát triển các ngành, trong đó ngành công nghiệp phát triển theo 4 trụ cốt chính – được xác định là chiến lược phát triển, gồm: Tập trung mở rộng và nâng cao chuỗi giá trị, tận dụng liên kết vùng cho các ngành công nghiệp chủ lực; xây dựng năng lực cạnh tranh chiến lược, tiến tới phát triển các ngành công nghiệp có tiềm năng trong tương lai; duy trì và tái cơ cấu các ngành công nghiệp giá trị sản xuất nhỏ, đảm bảo an sinh xã hội; xây dựng Hải Dương thành trung tâm công nghiệp động lực của vùng đồng bằng sông Hồng, gắn với khu kinh tế chuyên biệt; cụm công nghiệp hiện đại và lõi trung tâm đổi mới sáng tạo.
Về phương án phát triển khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, định hướng phát triển 1 khu kinh tế chuyên biệt tại trung tâm vùng động lực công nghiệp ở hai huyện Bình Giang và Thanh Miện. Trong đó tập trung phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp sinh thái, công nghiệp hỗ trợ, trung tâm logistics trung tâm đổi mới sáng tạo cấp vùng; đô thị - dịch vụ sinh thái hiện đại, cung cấp quỹ nhà ở cho công nhân và hỗ trợ công nghiệp.
Trong thời kỳ 2021 – 2030, hình thành 33 KCN, với tổng quy mô là 5.661ha, trong đó có 20 KCN và 3 mở rộng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch.
Trong giai đoạn đến năm 2030, hình thành 61 CCN với quy mô là 3.213ha.
Đối với phương án quy hoạch hệ thống đô thị, giai đoạn 2021 – 2030, phát triển 28 đô thị, trong đó có 14 đô thị hiện trạng và thêm mới 14 đô thị.
Không gian kinh tế chủ yếu tập trung theo 4 trục phát triển, 5 cực tăng trưởng và 5 phân vùng phát triển. Mức độ phân bổ nguồn lực chủ yếu tập trung vào các hoạt động kinh tế tại 5 cực tăng trưởng chính của Hải Dương là: đô thị trung tâm thành phố Hải Dương, 4 đô thị động lực: thành phố Chí Linh, thị xã Kinh Môn, huyện Bình Giang và huyện Thanh Miện.
Về phương án kết nối hạ tầng quốc gia và vùng, đường bộ sẽ gồm các tuyến cao tốc, quốc lộ, đường tỉnh, đường trục chính đô thị hướng đến phát triển thành các trục kết nối với hạ tầng quốc gia và hạ tầng giao thông trong vùng như: cảng hàng không, cảng biển, cảng thuỷ nội địa, ga đường sắt. Đường thuỷ nội địa gồm các tuyến sông chảy qua địa bàn tỉnh kết nối giữa hệ thống cảng thuỷ nội địa tỉnh Hải Dương với khu vực cảng biển Hải Phòng, cảng biển Quảng Ninh và hệ thống cảng nội địa trong vùng.
Đường sắt gồm 4 tuyến kết nối với các đầu mối vận tải quốc gia và cấp vùng trên hành lang tam giác kinh tế Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh.