Bữa cơm tại điểm trường Ón, Trường Mầm non Tam Chung (Mường Lát). Ảnh: TG |
Là một trong những ngôi trường đầu tiên dự án triển khai, thầy Nguyễn Văn Hùng - Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tam Chung không khỏi xúc động, bởi những lợi ích mà dự án mang lại. Theo thầy Hùng, Trường Tiểu học Tam Chung có tất cả 7 điểm trường. Trong đó, điểm trường xa nhất là bản Ón, cách trung tâm hơn 20km với 100% là học sinh người dân tộc Mông. Tại điểm trường Lát, do nhiều em ở cách xa trường, đường đèo khúc khuỷu nên thường mang theo cơm đùm ăn trưa rồi ở lại học tiếp buổi chiều.
Vì vậy, dự án “Cùng nhau nuôi em Mường Lát” đã triển khai tại 2 điểm trường này, với tổng số 165 học sinh. Trong đó, điểm trường Ón gồm 71 em, còn lại là điểm trường Lát. “Kể từ khi dự án triển khai đã giúp cho nhiều học sinh có bữa cơm trưa đủ dinh dưỡng. Từ đó mà thể chất cũng như chất lượng học tập của nhiều học sinh có sự chuyển biến rõ rệt. Chúng tôi rất mong muốn dự án sẽ được tiếp tục mở rộng sang các điểm trường khác tại Mường Lát, để có thêm nhiều học sinh còn khó khăn được thụ hưởng”, thầy Hùng nói.
Cô Lò Thị Nguyệt - Hiệu trưởng Trường Mầm non Trung Lý, ngôi trường đang có gần 90 trẻ được nhận hỗ trợ từ dự án cho biết: “Mặc dù khi mới triển khai dự án, nhiều phụ huynh còn chưa đồng tình. Tuy nhiên, khi thấy con em mình được ăn uống, ngủ nghỉ các cha mẹ đã rất vui. Hiện nhiều phụ huynh mong muốn dự án sẽ tiếp tục triển khai và đi theo con của họ vào cấp 1”.
Chia sẻ về kế hoạch sẽ triển khai trong thời gian tới, chị Huyền cho biết sẽ cố gắng triển khai thêm các điểm trường khó khăn tại Mường Lát trong năm học tới. “Niềm mong mỏi của chúng tôi đó là chỉ mong sao các bạn nhỏ tại Mường Lát sẽ có được những bữa cơm no, có điều kiện học tập tốt hơn và được tiếp xúc nhiều hơn nữa với thế giới bên ngoài”, chị Huyền tâm sự.
Anh Lâu Văn Phía - Bí thư Huyện đoàn Mường Lát cho biết: Dự án “Cùng nhau nuôi em Mường Lát” là một hoạt động nhân văn, thể hiện sự đồng hành của cộng đồng, xã hội dành cho những học sinh có hoàn cảnh khó khăn tại huyện vùng cao Mường Lát. Kể từ khi triển khai, dự án đã mang lại những hiệu quả tích cực, trước hết là sĩ số lớp được duy trì đều đặn.
Thậm chí, có những bé còn thích đến trường hơn ở nhà. Bên cạnh đó, nhờ thay đổi món ăn liên tục từ cá, giò, thịt xay... mà cân nặng, chiều cao của các bé đã chuyển biến rõ rệt. Các con cũng rèn luyện được nhiều thói quen tốt, nền nếp hơn trong sinh hoạt, nhờ vậy mà chất lượng học tập cũng đi lên.
“Ban đầu khi triển khai dự án, nhiều phụ huynh học sinh vẫn lo lắng không đồng tình. Tuy nhiên, khi thấy con em mình được ăn no và ngủ ngon giấc, các cha mẹ vô cùng phấn khởi. Thậm chí, nhiều phụ huynh còn tranh thủ thời gian rảnh đến phụ giúp cùng thầy cô”, chị Huyền chia sẻ.