Đối với các sở GD&ĐT, Thứ trưởng đề nghị tập trung vào 5 nội dung. Trong đó, nêu những vướng mắc, khó khăn đã xảy ra trong quá trình thực hiện mà chưa được hướng dẫn, giải thích, tháo gỡ; dự báo những vấn đề mới có thể xảy ra và đề xuất giải pháp cho 2 vấn đề trên. Cần lưu ý những vấn đề gì trong chỉ đạo (của Bộ/ngành/tỉnh/sở) và trong tổ chức thực hiện ở tất cả các khâu của kỳ thi (các hội đồng thi, các cán bộ làm thi…). Chia sẻ một số kinh nghiệm, cách làm hiệu quả của Sở trong thời gian qua.
Sau Hội nghị tập huấn này, các sở GD&ĐT cần tổ chức các hội nghị tập huấn theo kế hoạch (lưu ý nội dung mới, những vấn đề dễ nảy sinh, cá thể hóa đối tượng tập huấn (tập huấn cho lãnh đạo Hội đồng/Thư kí/cán bộ coi thi, chấm thi…); đặc biệt lưu ý những cán bộ lần đầu tham gia.
“Tất cả cán bộ, nhân viên tham gia phục vụ Kỳ thi phải được tập huấn quy chế, hướng dẫn thi. Không có cán bộ, nhân viên nào tham gia các công đoạn Kỳ thi là không nắm được quy chế, hướng dẫn… liên quan tới chức trách nhiệm vụ của mình. Khuyến khích có bài kiểm tra sau tập huấn”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Khẩn trương tham mưu cho lãnh đạo tỉnh thành lập Bộ máy lãnh đạo: Ban chỉ đạo cấp tỉnh, Hội đồng thi, các Điểm thi… Kịp thời triển khai, quán triệt các văn bản của Bộ GD&ĐT, thể chế hóa thành văn bản của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, của Sở GD&ĐT. Chuẩn bị sớm, đầy đủ, chu đáo, những điều kiện tốt nhất về cơ sở vật chất cho Kỳ thi.
Nhấn mạnh “con người là nhân tố quyết định”, Thứ trưởng đặc biệt lưu ý công tác tham mưu, lựa chọn nhân sự tham gia vào các khâu của Kỳ thi.
Sở GD&ĐT với vai trò là cơ quan nòng cốt, thường trực cần chủ động đề xuất, phối hợp tốt với các sở/ngành liên quan, như: Công an, thanh tra, y tế, điện lực, giao thông, đoàn thanh niên, UBND các huyện/thành phố.
Thứ trưởng đồng thời lưu ý hết sức chú trọng công tác kiểm tra, thanh tra đảm bảo an ninh, an toàn cho kỳ thi. Kiểm tra trước, trong và sau, kiểm tra diện rộng; thanh tra thì trọng tâm, trọng điểm. Bộ GD&ĐT sẽ có văn bản hướng dẫn và tổ chức tập huấn công tác kiểm tra, thanh tra Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023 trong thời gian tới.
Ngoài ra, các sở GD&ĐT cần chủ động chỉ đạo để hoàn thành chương trình lớp 12; hướng dẫn thí sinh đăng ký dự thi, điền các thông tin đầy đủ, chính xác. Chủ động cung cấp các thông tin cho báo chí, làm tốt công tác truyền thông.
Để tổ chức tốt Kỳ thi, các từ khóa được Thứ trưởng đưa ra để cùng suy nghĩ, tham khảo, vận dụng phù hợp, đó là thực hiện “4 đúng”, “3 không”.
Cụ thể, “4 đúng” là: Đúng quy chế và hướng dẫn thi; đúng/đủ quy trình; đúng vị trí, chức trách nhiệm vụ được giao; đúng thời điểm (kịp thời) xử lý những sự cố, tình huống bất thường.
“3 không”, gồm: Không lơ là, chủ quan; không tự ý xử lý những tình huống bất thường; không căng cứng, áp lực thái quá.
Tất cả hướng tới một Kỳ thi nghiêm túc, công bằng, an toàn, hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh.