Phải chăng chính những giọt nước mắt kia đã “hóa kiếp” để cây đèn điện khỏi phải chứng kiến thêm bao điều giả dối nơi cõi con người? Nhưng hóa ra không phải vậy.
Lại thêm điều bất ngờ nữa. Vừa kịp thoát khỏi hình hài cây đèn điện để trở thành “tôi” thì ngay lập tức cây đèn điện, mà giờ đây là “tôi”, là tác giả lại trở thành “người tình duy nhất” của nhân vật “anh”.
Dù biết mười mươi sự thật, nhân vật “tôi” lại vẫn cùng người yêu hẹn hò dưới cột đèn điện nơi công viên để rồi “bàng hoàng ném xuống đất một bài thơ/ mà nghe nỗi buồn rưng rưng chạy vào xương tủy”.
Hai câu thơ cuối có lẽ là hay nhất và ám ảnh nhất trong bài. Nghịch lý của cuộc sống nói chung, của tình yêu nói riêng chính là ở chỗ này.
Biết hết sự thật phũ phàng, biết sẽ phải chịu đau khổ mà vẫn không tài nào tránh được, nếu không muốn nói là tự nguyện dấn thân vào.
Bài thơ mang hơi hướng hoang đường song lại hết sức gần gụi như một sự thật hiển nhiên. Và chính vậy nó mới thực sự phản ánh được những phức tạp của tình yêu, của cuộc sống.