ĐH Bách khoa Hà Nội công bố câu hỏi minh họa kỳ thi đánh giá tư duy

17/01/2023, 10:23
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Ngày 17/1, Hội đồng tuyển sinh ĐH Bách khoa Hà Nội chính thức công bố mức độ đánh giá tư duy, dạng câu hỏi và các ví dụ minh họa của bài thi đánh giá tư duy 2023.

Bài thi đánh giá tư duy của ĐH Bách khoa Hà Nội sẽ bao gồm 3 phần thi với 3 mức độ đánh giá tư duy. Ảnh: Fanpage ĐH Bách khoa Hà Nội.

Ví dụ phần tư duy toán học

Ví dụ phần tư duy đọc hiểu

Ví dụ phần tư duy khoa học/giải quyết vấn đề

Theo đó, bài thi đánh giá tư duy gồm 3 phần thi: Tư duy toán học, tư duy đọc hiểu và tư duy khoa học/giải quyết vấn đề với 3 mức độ đánh giá tư duy (tư duy tái hiện, tư duy suy luận và tư duy bậc cao).

Phần đánh giá tư duy toán học gồm kiến thức về các lĩnh vực số học, đại số, hàm số, hình học, thống kê và xác suất. Cấu trúc câu hỏi có ý nghĩa cả về vấn đề và ngữ cảnh, đại diện cho các mối quan hệ toán học; truy cập các kiến thức toán học bằng trí nhớ; kết hợp với thông tin đã cho; mô hình hóa, tính toán và thao tác toán học; diễn giải; áp dụng các kỹ năng lập luận, đưa ra quyết định dựa trên toán học và thuật toán/tựa thuật toán phù hợp.

Phần đánh giá tư duy toán học nhấn mạnh tới tư duy định lượng và áp dụng phần tính toán hoặc ghi nhớ các công thức phức tạp. Các câu hỏi hàm chứa các vấn đề từ dễ đến khó với độ tin cậy để đảm bảo mức độ phân hóa thí sinh theo yêu cầu.

Phần đánh giá tư duy đọc hiểu đánh giá khả năng đọc nhanh và hiểu đúng. Các câu hỏi của phần thi đọc hiểu yêu cầu học sinh chuyển hóa ý nghĩa từ một số văn bản thuộc các thể loại: Văn bản khoa học, văn bản văn học, văn bản báo chí. Phần thi này nhằm đo lường khả năng thu thập được thông tin với những gì được tuyên bố rõ ràng và lập luận để xác định ý nghĩa tiềm ẩn.

Các câu hỏi yêu cầu học sinh sử dụng các kỹ năng viện dẫn và lập luận để xác định các ý chính, định vị và giải thích các chi tiết quan trọng; hiểu chuỗi các sự kiện, so sánh, hiểu mối quan hệ nhân quả, xác định ý nghĩa của từ, cụm từ và các tuyên bố dựa vào ngữ cảnh; khái quát hóa, phân tích giọng văn và phương pháp của tác giả; phân tích các đòi hỏi và bằng chứng trong các cuộc tranh luận và tích hợp thông tin từ nhiều văn bản liên quan.

Phần đánh giá tư duy khoa học/giải quyết vấn đề được thiết kế gồm (1) tập hợp các thông tin khoa học và (2) các câu hỏi trắc nghiệm, nhằm đo lường khả năng tính, giải thích được dữ liệu; chỉ ra được phương án phù hợp với thông tin khoa học; thiết lập và thực hiện được các mô hình đánh giá, suy luận và kết quả thử nghiệm.

Thông tin khoa học được truyền tải theo một trong 3 định dạng khác nhau: Biểu diễn dữ liệu (đồ thị khoa học, bảng biểu và sơ đồ), tóm tắt nghiên cứu (mô tả một hoặc nhiều thí nghiệm liên quan) hoặc quan điểm xung đột (hai hoặc nhiều tóm tắt mô hình lý thuyết, hiện tượng không phù hợp với nhau).

Các câu hỏi được xây dựng dưới hình thức trắc nghiệm với 4 dạng cấu trúc: chọn đáp án đúng, đúng/sai, kéo thả và câu trả lời ngắn.

Năm nay, nội dung bài thi dự kiến được điều chỉnh gọn nhẹ hơn. Thời gian làm bài rút ngắn từ 270 phút xuống còn 150 phút (bao gồm 60 phút ở phần thi tư duy toán học, 30 phút ở phần thi tư duy đọc hiểu và 60 phút ở phần thi tư duy giải quyết vấn đề).

Kỳ thi đánh giá tư duy năm 2023 dự kiến tổ chức thành 3 đợt. Trong đó, 2 đợt thi đầu sẽ tổ chức trước kỳ thi tốt nghiệp THPT (tháng 5 và tháng 6/2023). Một đợt thi sẽ tổ chức sau kỳ thi tốt nghiệp THPT (tháng 7/2023), tạo điều kiện cho các thí sinh lựa chọn kết quả tốt nhất để đăng ký xét tuyển đại học.

ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết đối tượng và số lần dự thi đánh giá tư duy năm 2023 đều không giới hạn. Thí sinh tham dự kỳ thi sẽ được cấp giấy chứng nhận kết quả thi có thời hạn trong 2 năm và có thể sử dụng điểm số này để đăng ký xét tuyển vào bất cứ trường đại học chấp nhận kết quả này.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
ĐH Bách khoa Hà Nội công bố câu hỏi minh họa kỳ thi đánh giá tư duy