Giáo dục

ĐH Quốc gia Hà Nội tuyển 300 ứng viên "tinh hoa" để đào tạo thành giảng viên, nhà khoa học chất lượng cao

Châu Anh 22/05/2025 16:08

(GDTĐ) - Trong giai đoạn 2026–2031, ĐH Quốc gia Hà Nội (VNU) sẽ triển khai chương trình tuyển chọn và đào tạo khoảng 300 học sinh, sinh viên xuất sắc nhằm phát triển đội ngũ giảng viên, nhà khoa học kế cận có chất lượng cao, đáp ứng tiêu chuẩn hội nhập quốc tế.

Chương trình này vừa được Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội phê duyệt với mục tiêu bồi dưỡng những cá nhân có năng lực học tập xuất sắc, đam mê giảng dạy, nghiên cứu khoa học, đặc biệt ưu tiên những người có hoàn cảnh khó khăn nhưng giàu tiềm năng. Đây được xem là một trong những bước đi chiến lược của VNU nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ giảng dạy tinh hoa trong tương lai.

Các ứng viên trúng tuyển sẽ được hỗ trợ toàn diện, bao gồm học phí, sinh hoạt phí, chi phí đi lại, thực tập và học tập trong nước và quốc tế. Ngoài ra, sinh viên còn được hỗ trợ học ngoại ngữ, chỗ ở, sử dụng cơ sở vật chất hiện đại, học liệu phong phú và được tham gia vào mạng lưới các nhà khoa học trẻ trong và ngoài nước do VNU phát triển.

ivides.vnu.edu.vn-uploads-news-2024_02-_khoa-hoc-1.jpg
ĐH Quốc gia Hà Nội sẽ tuyển chọn khoảng 300 ứng viên để đào tạo thành giảng viên, nhà khoa học chất lượng cao (Ảnh: VNU)

Sau khi trúng tuyển, ứng viên sẽ được ký hợp đồng đào tạo giảng viên hoặc nghiên cứu viên nguồn, có thể được cử đi học tại các đại học đối tác hàng đầu thế giới như Đại học Quốc gia Seoul (Hàn Quốc), Tokyo, Kyoto (Nhật Bản), Paris-Saclay (Pháp), Đại học Thanh Hoa, Bắc Kinh (Trung Quốc), Học viện Ngoại giao Moskva (Nga),... Sau khi hoàn thành chương trình đào tạo và đạt chuẩn, họ sẽ được tuyển dụng chính thức vào vị trí giảng viên, nghiên cứu viên tại VNU. Những ứng viên có kết quả học tập dưới mức khá sẽ bị loại khỏi chương trình.

Cùng với chương trình này, VNU cũng triển khai Đề án "Đầu tư phát triển nhà khoa học xuất sắc, nhóm nghiên cứu mạnh chuẩn quốc tế". Trong giai đoạn 2024–2025, trường đặt mục tiêu phát triển 200 nhà khoa học xuất sắc, mỗi người có ít nhất 4 công bố quốc tế thuộc danh mục ISI/Scopus, qua đó nâng tổng số bài báo quốc tế lên 400–500 bài so với năm 2023.

Từ năm 2026–2030, VNU hướng đến mục tiêu trở thành đại học nghiên cứu chuẩn quốc tế, lọt vào top 500 đại học hàng đầu thế giới theo các bảng xếp hạng quốc tế, với trung bình 1,8 công bố quốc tế mỗi giảng viên, xây dựng Câu lạc bộ 500 nhà khoa học xuất sắc và 1.000 nhà khoa học tiềm năng.

Tính đến hết năm 2023, ĐH Quốc gia Hà Nội có 2.730 giảng viên và cán bộ khoa học cơ hữu, trong đó 65,4% có trình độ tiến sĩ, 32,8% là thạc sĩ. Việc đầu tư bài bản vào phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao được kỳ vọng sẽ tạo nền tảng vững chắc giúp VNU giữ vững vị thế trong nước và nâng tầm trên bản đồ giáo dục đại học toàn cầu.

Bài liên quan
Bộ GD-ĐT công bố thủ tục xét thăng hạng giáo viên, giảng viên
Bộ GD-ĐT vừa công bố thủ tục hành chính nội bộ trong hệ thống hành chính nhà nước lĩnh vực chế độ, chính sách đối với nhà giáo thuộc phạm vi quản lý của Bộ, trong đó nêu rõ thủ tục để giáo viên/giảng viên được đăng ký dự xét thăng hạng.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
ĐH Quốc gia Hà Nội tuyển 300 ứng viên "tinh hoa" để đào tạo thành giảng viên, nhà khoa học chất lượng cao