Trong khuôn khổ chuyến công tác của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Liên bang Nga, Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) đã ký kết văn bản thỏa thuận hợp tác với 4 trường đại học hàng đầu của Nga.
Với những thỏa thuận hợp tác vừa được ký kết, ĐHQGHN đã tạo thêm nhiều cơ hội học tập, nghiên cứu và trao đổi kinh nghiệm cho giảng viên, sinh viên, đồng thời khẳng định tầm nhìn quốc tế hóa giáo dục của mình.
Các trường đại học tham gia ký kết gồm:
Học viện Hành chính công và kinh tế quốc dân Nga trực thuộc Tổng thống Liên bang Nga (RANEPA): Đây là trung tâm đào tạo hàng đầu về quản lý công, kinh tế và chính sách. RANEPA có mạng lưới đối tác quốc tế rộng lớn, hợp tác với nhiều trường đại học danh tiếng trên thế giới, như Harvard Kennedy School (Hoa Kỳ), Sciences Po (Pháp) và Đại học Thanh Hoa (Trung Quốc). Với hơn 7.000 giảng viên và chuyên gia, RANEPA nổi bật trong đào tạo nhân lực quản lý cấp cao và cải cách hành chính công.
Đại học Tổng hợp Quốc gia Moskva mang tên M.V. Lomonosov (MSU): Là đại học lâu đời nhất và lớn nhất của Nga, MSU có truyền thống hơn 270 năm đào tạo khoa học cơ bản và ứng dụng. Đây là nơi sản sinh nhiều nhà khoa học đoạt giải Nobel và Fields, với hệ thống đào tạo liên ngành trải rộng từ khoa học tự nhiên, kỹ thuật, xã hội và nhân văn. Trong lần hợp tác này, ĐHQGHN và MSU đã thống nhất phát triển các chương trình đào tạo đồng cấp bằng và nghiên cứu khoa học, đặc biệt trong các lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, vật liệu bán dẫn, khoa học cơ bản.
Đại học Tổng hợp Quốc gia Saint Petersburg: Là đại học có bề dày lịch sử, Saint Petersburg luôn giữ vai trò trọng yếu trong đào tạo nhân lực khoa học tự nhiên và xã hội nhân văn của Nga. Trường không chỉ đào tạo nhiều chuyên gia hàng đầu, mà còn duy trì hệ thống nghiên cứu mạnh mẽ, phục vụ phát triển bền vững.
Đại học Nghiên cứu Quốc gia - Trường Kinh tế cao cấp (HSE): Là một trong những trung tâm nghiên cứu hàng đầu về khoa học xã hội, trí tuệ nhân tạo và công nghệ cao tại Nga, HSE có thế mạnh về đào tạo đa ngành. HSE và ĐHQGHN thống nhất thành lập viện nghiên cứu khoa học chung tại Việt Nam nhằm triển khai các dự án nghiên cứu trong các lĩnh vực, như phát triển kinh tế xã hội, trí tuệ nhân tạo và công nghệ tiên tiến.
Việc ký kết với 4 trường đại học hàng đầu của Liên bang Nga không chỉ tạo điều kiện phát triển các chương trình đào tạo, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, sinh viên, mà còn góp phần thúc đẩy mối quan hệ hữu nghị giữa hai nước. Các chương trình trao đổi giảng viên, sinh viên và nghiên cứu chung sẽ là nền tảng vững chắc cho sự hợp tác bền vững và phát triển lâu dài.
GS. Lê Quân, Giám đốc ĐHQGHN nhấn mạnh: "Việc hợp tác với các đại học danh tiếng của Liên bang Nga giúp ĐHQGHN nâng cao năng lực cạnh tranh, đồng thời tạo cơ hội cho sinh viên, giảng viên tiếp cận nền giáo dục tiên tiến. Đây cũng là một bước đi chiến lược để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu phát triển của Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa".
ĐHQGHN khẳng định quyết tâm tăng cường hợp tác quốc tế, phát huy thế mạnh của các bên nhằm tạo ra những giá trị giáo dục mới, góp phần xây dựng nguồn lực trí tuệ chất lượng cao cho đất nước.