Điểm tựa cho học trò vùng cao

Hà Thuận – Lù Hiền | 18/11/2022, 11:04
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Mô hình bán trú đã và đang là “điểm tựa” để giữ “chân” học trò ở vùng cao Nậm Nhùn với hành trình chinh phục tri thức.

“Ấm bụng” đến trường

18 giờ mỗi ngày, hồi trống báo hiệu giờ ăn cơm lại vang lên từ Trường Tiểu học xã Nậm Manh, huyện Nậm Nhùn (tỉnh Lai Châu). Từng tốp học sinh lần lượt xếp hàng, tiến về khu vực nhà ăn bán trú. Các em nhanh chóng ngồi vào vị trí quen thuộc, như được “mặc định” từ trước.

Sau khẩu hiệu đồng thanh cùng các bạn “Con mời thầy cô ăn cơm, tớ mời các bạn ăn cơm”, em Giàng A Linh, lớp 3B hào hứng với phần ăn của mình. Nhà Linh ở bản Nậm Nàn. Gia đình thuộc diện khó khăn nên bữa no, bữa đói. Nhờ đến trường, em không phải lo đói, mà còn thường xuyên có những bữa cơm đủ cả rau và thịt.

Thầy Phạm Quốc Bảo, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ, trước đây nhiều phụ huynh chưa đồng thuận cho con đến trường vì muốn có người phụ giúp việc nương rẫy. Nhưng đến nay, tư tưởng này đã hạn chế đi nhiều. Bà con bắt đầu quan tâm hơn đến việc học của con em.

Năm học này, trường có 498 học sinh, trong đó có 301 em ở nội trú. Ngay từ đầu năm học, tỷ lệ huy động học sinh ra lớp đã đạt 100% và duy trì trên 98% đi học chuyên cần. “Có được kết quả này, bên cạnh nỗ lực của tập thể cán bộ giáo viên thì không thể không nhắc đến lợi ích từ mô hình trường bán trú”, thầy Bảo nói.

Cũng theo thầy Bảo, nhà trường có 4 điểm bản, học sinh không được hưởng chế độ bán trú. Để đảm bảo bữa ăn cho các em, trường đã huy động mọi nguồn lực xã hội hóa. Từ sự hỗ trợ này, hiện có 50 học sinh tại 2 điểm (Huổi Chát và Nậm Nàn) được duy trì bữa ăn trưa.

Tại điểm trường Huổi Chát có 2 lớp với 40 học sinh. Thầy Trần Đức Thịnh được giao phụ trách lớp 2 với 19 em. Đều đặn mỗi ngày, thầy dậy từ tờ mờ sáng để di chuyển đến chợ huyện, nhận thực phẩm phục vụ nấu ăn trưa cho học sinh. “Hàng ngày các em đi học thì mang theo cơm. Còn thức ăn trường hỗ trợ. Ở đây có 3 thầy cô, cứ rảnh hoặc hết tiết lại tranh thủ thay nhau làm đầu bếp”, thầy Thịnh chia sẻ.

Cũng tại Nậm Manh, gia đình em Sùng A Minh, lớp 9A, Trường PTDTBT THCS có tới 4 anh chị em cùng đang theo học. Trong đó, 3 người đang học tại THCS, còn 1 em nhỏ học tiểu học. Minh tâm sự, kinh tế khó khăn nên nhiều lần 4 anh em đứng trước nguy cơ nghỉ học. “Thầy cô phải vận động nhiều lắm thì bọn em mới tiếp tục được đi học. Đến trường không chỉ học chữ, chúng em còn được ăn no 3 bữa mỗi ngày”, Minh bộc bạch.

Ngôi nhà thứ 2

Nhờ sự quan tâm, đầu tư của Nhà nước, mới đây thầy và trò Trường PTDTBT THCS Hua Bum được giảng dạy, học tập trong ngôi trường mới khang trang, đầy đủ tiện nghi. Đặc biệt, dãy nhà bán trú kiên cố, sạch đẹp giúp học sinh có điều kiện tốt hơn để sinh hoạt, ngủ, nghỉ mỗi ngày.

Đã hơn 2 năm nay, căn phòng bán trú trở thành ngôi nhà thứ hai của em Tẩn Ú Mẩy và các bạn cùng phòng. Nhà Mẩy ở bản Nậm Tảng, cách trường hơn 80km. Từ ngày theo học tại trường, Mẩy và các bạn được ăn, ngủ tại chỗ nên giảm bớt khó khăn, cách trở về giao thông. Em chỉ về nhà vào dịp lễ, Tết hoặc cuối tuần, thời gian còn lại tập trung cho việc học.

Thầy Hiệu trưởng Nguyễn Văn Minh cho biết: “Trường thành lập một tổ quản lý để kèm cặp, hướng dẫn và hỗ trợ các em bán trú. Từ kỹ năng nhỏ nhất như vệ sinh cá nhân, phòng ở, cho đến theo dõi, nắm bắt tính cách, khó khăn mà từng em gặp phải. Từ đó, có biện pháp động viên, giúp đỡ cụ thể. Đa phần các em sau một, hai tháng đều quen và tự giác mọi việc”.

Năm học này, huyện Nậm Nhùn có 30 trường, với 413 lớp, trên 9.000 học sinh. Trong đó, có 14 trường hoạt động theo mô hình PTDTBT, với trên 5.300 trò được hỗ trợ tiền ăn, gạo theo các nghị định, chính sách. Ông Trần Quang Tráng, Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện cho biết, nhờ thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách hỗ trợ, những năm qua tỷ lệ huy động học sinh ra lớp tại địa phương luôn duy trì ở mức cao.

“Ngay đầu năm học, tỷ lệ huy động học sinh ra lớp, nhất là tại các trường PTDTBT đạt gần 100%. Tình trạng học sinh bỏ học giảm, tỷ lệ chuyên cần cũng được duy trì thường xuyên ở mức cao” - ông Trần Quang Tráng thông tin.

Còn theo đánh giá của ông Vũ Tiến Hóa, Phó Chủ tịch UBND huyện Nậm Nhùn, mô hình Trường PTDTBT đã góp phần không nhỏ vào việc nâng cao chất lượng giáo dục vùng khó. Đây có thể xem là “điểm tựa” để học sinh dân tộc thiểu số, vùng sâu, xa yên tâm đến trường, học chữ.

“Các con xuống trường học tập chúng tôi rất yên tâm. Mỗi tuần đón về, thấy con biết nhiều hơn, mạnh dạn hơn, tôi vui lắm. Nên dù bận đến đâu, vợ chồng tôi cũng sắp xếp công việc để đưa con xuống trường học đầy đủ”, ông Giàng A Phua, bản Huổi Chát chia sẻ.

Bài liên quan
'Điểm tựa' nơi đầu sóng của bà con ngư dân bám biển
Với chặng đường 10 năm xây dựng, trưởng thành, lực lượng Kiểm ngư Việt Nam đã luôn đồng hành cùng ngư dân vươn khơi bám biển, phát triển kinh tế biển và bảo vệ nguồn lợi thủy sản vì một ngành thủy sản xanh, phát triển bền vững. Nêu cao tinh thần trách nhiệm, chủ động, Kiểm ngư Việt Nam đã thực sự là “điểm tựa nơi đầu sóng” của bà con ngư dân, góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Điểm tựa cho học trò vùng cao