Đài RT trích dẫn tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga: "Âm mưu nổi dậy vũ trang diễn ra ở đất nước chúng tôi đã gây ra sự phản đối gay gắt trong xã hội Nga vốn kiên quyết ủng hộ Tổng thống Nga Vladimir Putin".
Bộ Ngoại giao Nga nhấn mạnh: "Khát vọng phiêu lưu của những kẻ chủ mưu, trên thực tế, là nhằm gây bất ổn tình hình ở Nga và phá hủy sự đoàn kết của chúng tôi. (...) Chúng tôi cảnh báo các nước phương Tây về bất kỳ gợi ý nào về việc lợi dụng tình hình trong nước của Nga để đạt được các mục tiêu bài Nga của họ. Những nỗ lực như vậy là vô ích và sẽ không tìm thấy phản ứng ở Nga hoặc giữa các lực lượng chính trị lành mạnh ở nước ngoài".
Bộ Ngoại giao Nga kết luận: "Đất nước chúng tôi sẽ tiếp tục con đường chủ quyền của mình để đảm bảo an ninh, bảo vệ các giá trị của mình, củng cố uy tín trên trường quốc tế và hình thành một trật tự thế giới đa cực công bằng".
Wagner ở gần trụ sở của Quân khu miền nam Nga ở TP Rostov-on-Don ngày 24-6. Ảnh: Reuters
Phản ứng trước động thái của lực lượng Wagner, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel ngày 24-6 viết trên Twitter rằng Liên minh châu Âu (EU) đang "theo dõi chặt chẽ tình hình ở Nga", giữ liên lạc với các nhà lãnh đạo châu Âu và Nhóm các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7).
Ông nói rằng "rõ ràng là vấn đề nội bộ của Nga", đồng thời cam kết hỗ trợ "không ngừng" cho Ukraine.
Tương tự, Nhà ngoại giao hàng đầu EU Josep Borrell, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã được thông báo về những diễn biến mới nhất ở Nga và "sẽ tham khảo ý kiến của các đồng minh và đối tác".
Thủ tướng Anh Rishi Sunak kêu gọi tất cả các bên phải có trách nhiệm và bảo vệ dân thường.
Trước tình hình đó, EU đã thành lập một "trung tâm ứng phó khủng hoảng".
Cuộc nổi dậy bắt đầu vào ngày 23-6 khi ông Prigozhin cáo buộc các lực lượng chính quy của Nga đã pháo kích vào một trong những căn cứ của tổ chức của ông ta ở Ukraine.
Moscow bác bỏ cáo buộc nhưng ông Prigozhin đã lên đường hành quân tới Moscow qua Rostov-on-Don, để đối đầu với các quan chức quân sự cấp cao của Nga.