Điện Biên: Làm sao để học sinh chọn đúng ngành, nghề?

Hà Linh | 11/04/2022, 17:38
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Lựa chọn ngành, nghề là lựa chọn cho cả tương lai. Bởi vậy, việc tư vấn, hướng nghiệp có ý nghĩa hết sức quan trọng. Điều này càng đặc biệt hơn với học sinh miền núi bởi các em vốn không có nhiều lựa chọn.

Hoạt động “Tư vấn tuyển sinh đại học - cao đẳng năm học 2021 - 2022” do Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (TP Điện Biên Phủ) tổ chức.Hoạt động “Tư vấn tuyển sinh đại học - cao đẳng năm học 2021 - 2022” do Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (TP Điện Biên Phủ) tổ chức.

Chọn sai phải đi đường vòng

Mỗi ngày, anh Vì Văn Mường, xã Mường Nhé (huyện Mường Nhé,) đều phải thức dậy sớm để chuẩn bị đồ đạc đi lái máy xúc thuê cho một doanh nghiệp xây dựng trên địa bàn. Dù vất vả nhưng với anh Mường, đây là công việc tốt nhất ở thời điểm hiện tại. Anh thường làm 8 giờ vào ban ngày và đều đặn tăng ca từ 1 - 2 giờ mỗi đêm.

Theo anh Mường chia sẻ thì mình đã tốt nghiệp chuyên ngành y (Trường Cao đẳng Y tế Điện Biên) năm 2014. Tuy nhiên, cơ hội ít nên nhiều năm anh không xin được việc. Ở nhà mãi với bố mẹ không đành, anh tiếp tục đăng ký đi học nghề, với mong muốn sớm có việc làm, có thu nhập phụ giúp gia đình.

“Nhiều lúc nghĩ cũng khổ lắm! Gia đình tôi hoàn cảnh khó khăn mà bố mẹ vẫn cố gắng cho mấy anh em đi học. Nhưng học về rồi, nhiều lần cầm hồ sơ dự tuyển vào các cơ quan, đơn vị theo đúng chuyên ngành mà đều phải quay về. Lỗi cũng do ngày xưa tôi thiếu thông tin, không biết chọn nghề phù hợp”, anh Mường chia sẻ.

Cũng mang nặng tâm tư như anh Mường nhưng hoàn cảnh của chị Lò Thị Loan, xã Nặm Lịch (huyện Mường Ảng, Điện Biên) “éo le” hơn. Tốt nghiệp chuyên ngành sư phạm mầm non (Trường Cao đẳng Sư phạm Điện Biên) những tưởng sẽ giúp cuộc sống của cô gái miền núi bước sang trang mới.

Ngược lại, chị Loan mệt mỏi, chán nản vì không tìm kiếm được công việc đúng chuyên ngành. Ở nhà lâu, nhiều người nhắc nên chị sớm lấy chồng, sinh con. Mới 23 tuổi, giờ chị Loan đã có 2 con. Như bao phụ nữ khác ở bản, khuôn mặt chị xạm đi vì những ngày tháng “dãi nắng dâm sương” trên nương, dưới ruộng, lo toan cuộc sống.

“Ngày xưa khi làm hồ sơ thi vào sư phạm tôi chỉ nghĩ đơn giản là thích làm giáo viên chứ không tính toán được nhiều. Tôi và cả gia đình đều không có nhiều thông tin, cũng không hiểu biết để lựa chọn ngành nghề gì cho phù hợp. Hoặc ra trường thì có xin được việc không”, chị Loan giãi bày.

Nhiều học sinh vùng khó ở Điện Biên được tư vấn, định hướng đi học nghề để sớm có việc làm ổn định, phù hợp.

Trường hợp như anh Mường, chị Loan không phải hiếm. Theo thống kê của cơ quan chức năng địa phương này, mỗi năm có hàng trăm sinh viên tốt nghiệp các trường cao đẳng, đại học mà không có việc làm. Không ít người có việc làm nhưng lại trái ngành, không liên quan đến chuyên môn đào tạo. Nhiều sinh viên chưa ra trường đã phải đối mặt với áp lực tìm kiếm việc làm.

Theo thầy giáo Bùi Trung Thành, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Phan Đình Giót (TP. Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên), việc lựa chọn đúng nghề luôn là bài toán khó không chỉ đối với mỗi học sinh, gia đình mà cả nhà trường. Đặc biệt là đối với các trường học vùng khó, học sinh con em đồng bào dân tộc thiểu số, khó khăn.

“Riêng tại nhà trường, mặc dù đóng chân tại thành phố, song có tới trên 70% học sinh là con em đồng bào dân tộc thiếu số từ các huyện về học. Gia đình các em hầu hết đều khó khăn, kỹ năng mềm phục vụ cuộc sống còn hạn chế. Do vậy, giáo dục hướng nghiệp là việc làm quan trọng. Qua đó, giúp học sinh hiểu, nhìn nhận năng lực bản thân một cách khách quan để có sự lựa chọn phù hợp nhất”, thầy Thành cho hay.

Chọn nghề trước khi chọn trường

Buổi “Tư vấn tuyển sinh đại học - cao đẳng năm học 2021 - 2022” do Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn đã để lại ấn tượng cho nhiều học sinh nhà trường. Bằng phương pháp “người thật, việc thật”, sinh viên ở những trường đại học thuộc TOP đầu cả nước từng là cựu học sinh nhà trường đã chia sẻ nhiều trải nghiệm, thông tin thiết thực.

Không chỉ tư vấn về các phương thức xét tuyển đại học, cập nhật xu hướng kỳ thi đánh giá năng lực tư duy năm học 2021-2022, học sinh nhà trường còn được giải đáp nhiều thắc mắc liên quan đến công tác tuyển sinh. Đặc biêt, việc giao lưu với sinh viên các khối trường đã giúp học sinh có thêm nhiều chia sẻ hữu ích, như: Các tips ôn thi hiệu quả, nên đặt nguyện vọng như thế nào, phương thức tuyển sinh của các trường đại học…

Kinh nghiệm thực tế được những sinh viên các trường đại học nhóm đầu cả nước chia sẻ với học sinh 12.

Những năm gần đây, cùng với nhiệm vụ giáo dục thì công tác tư vấn, hướng nghiệp cũng được Trường THPT Phan Đình Giót đẩy mạnh bằng nhiều hình thức khác nhau. Theo Hiệu trưởng nhà trường, bên cạnh việc tổ chức các hoạt động giao lưu, trải nghiệm, trường còn làm tốt việc phân loại học sinh.

“Căn cứ kết quả học tập và những lần kiểm tra, đánh giá học sinh trong năm học, trường sẽ phối hợp cùng các đoàn thể tổ chức tư vấn cho học sinh, phụ huynh. Nội dung đa dạng, có thể tư vấn theo nhu cầu hoặc định hướng nghề nghiệp, lựa chọn ngành, nghề, các trường chuyên nghiệp phù hợp năng lực từng em”, thầy Thành cho cho hay.

Lương Thị Thu, lớp 12C3 (Trường THPT Phan Đình Giót) cho biết: Trong quá trình học, giáo viên chủ nhiệm và các thầy cô bộ môn thường xuyên động viên. Thầy cô chỉ rõ là em học tốt môn này, còn kém môn kia hoặc có năng lực, sở trường gì. Từ đó, em tự cân đối, điều chỉnh bản thân và nhất là có định hướng rõ ràng cho mình. “Thầy cô luôn xác định tâm lý trước cho em là phù hợp với nghề gì. Sau đó mới lựa chọn đăng ký trong số các trường cùng ngành, nghề đào tạo. Em thấy như vậy không bị hoang mang và dễ dàng hơn nhiều”, Thu chia sẻ.
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Điện Biên: Làm sao để học sinh chọn đúng ngành, nghề?