Thời sự

Điện Biên tháo gỡ điểm nghẽn trong thực hiện chính sách dân tộc

16/07/2025 23:08

Nhiều bất cập trong phân bổ vốn, quy trình triển khai đang được Điện Biên nỗ lực tháo gỡ để chính sách đi vào thực chất.

Còn nhiều khó khăn, thách thức trong triển khai

Theo ông Vũ Văn Công – Phó Giám đốc Sở Dân tộc và Tôn giáo tỉnh Điện Biên, việc triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021–2025 trên địa bàn tỉnh hiện còn gặp nhiều khó khăn, thách thức.

Trước hết, tiến độ phân bổ và giải ngân vốn từ Trung ương còn chậm. Riêng nguồn vốn sự nghiệp – thiết yếu cho các hoạt động giáo dục, y tế, đào tạo nghề, thường được giao muộn trong các năm 2022 và 2025, ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình thực hiện dự án. Việc phân bổ vốn quá chi tiết theo từng tiểu dự án cũng khiến địa phương thiếu linh hoạt khi phát sinh nhu cầu mới.

Dù tỉnh đã huy động được vốn đối ứng đạt 182% kế hoạch, nhưng nguồn thu hạn chế khiến việc cân đối ngân sách gặp áp lực lớn. Ngoài ra, nhiều quy định của Trung ương vẫn còn chồng chéo, thiếu đồng bộ, khiến các xã, huyện lúng túng trong triển khai.

Một số dự án có tỷ lệ giải ngân thấp. Ví dụ, dự án phát triển sản xuất nông – lâm nghiệp mới chỉ giải ngân được 42% do vướng mắc trong quy trình thẩm định giống vật nuôi, thủ tục mua sắm, mức hỗ trợ thấp. Dự án hỗ trợ lao động dân tộc đi làm việc ở nước ngoài cũng gặp khó trong việc xác minh hồ sơ, hóa đơn hợp lệ.

Về hạ tầng, định mức đầu tư từ ngân sách Trung ương chưa phù hợp với chi phí thực tế tại vùng núi, trong khi địa phương khó đối ứng. Nhiều dự án chậm tiến độ do vướng mặt bằng, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng tự nhiên…

Tính đến hết năm 2024, còn 17 chỉ tiêu của Chương trình MTQG dự kiến không đạt, trong đó có các chỉ tiêu quan trọng như: tăng gấp đôi thu nhập bình quân người dân so với năm 2020, giảm số xã đặc biệt khó khăn, nâng tỷ lệ kiên cố hóa trường lớp và nhà sinh hoạt cộng đồng.

Nguyên nhân sâu xa được xác định là do địa hình phức tạp, dân cư phân tán, năng lực cán bộ cơ sở không đồng đều, một bộ phận người dân vẫn còn tâm lý trông chờ, ỷ lại.

dsc-3693.jpg
Chương trình MTQG đã góp phần làm thay đổi diện mạo vùng DTTS ở Điện Biên.

Gợi mở hướng đi mới cho giai đoạn 2026–2030

Trước thực trạng trên, Sở Dân tộc và Tôn giáo tỉnh Điện Biên đã tham mưu UBND tỉnh nhiều kiến nghị mang tính chiến lược cho giai đoạn 2026–2030.

Thứ nhất, kiến nghị Trung ương cho phép kéo dài thời gian giải ngân phần vốn còn lại của giai đoạn 2021–2025 để tránh lãng phí và đảm bảo tính liên tục.

Thứ hai, đề xuất hợp nhất ba Chương trình MTQG hiện hành thành một chương trình tổng thể, mang tên “Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng khó khăn và đặc biệt khó khăn”, nhằm tinh gọn bộ máy và tránh trùng lặp nhiệm vụ.

Điểm nhấn trong các đề xuất là tăng cường phân cấp, phân quyền: Trung ương chỉ giao mục tiêu, chỉ tiêu và tổng vốn; địa phương được linh hoạt phân bổ, điều chỉnh giữa các nguồn đầu tư và sự nghiệp theo thực tế.

Về cơ cấu nguồn vốn, tỉnh đề nghị tăng tỷ trọng vốn đầu tư lên 80–90%, giảm vốn sự nghiệp, từ đó tập trung cho các công trình hạ tầng thiết yếu và tạo sinh kế lâu dài.

UBND tỉnh Điện Biên cũng kiến nghị miễn bố trí vốn đối ứng cho những địa phương được Trung ương hỗ trợ từ 70% trở lên, trong đó có Điện Biên nhằm giảm áp lực tài chính và tăng dư địa huy động xã hội hóa.

z5610177895362-3f48b94b54a58c317ccf928d32575e6f-1546.jpg
Mô hình nuôi Hương sao tại xã Sam Mứn (Điện Biên).

Phát huy nội lực, hướng đến phát triển bền vững

Bước sang giai đoạn mới, tỉnh Điện Biên xác định phương châm “đầu tư có trọng tâm, trọng điểm”, tập trung vào các khu vực đặc biệt khó khăn, hộ nghèo và dân tộc rất ít người. Người dân sẽ được phát huy vai trò từ khâu lập kế hoạch đến giám sát dự án – nhằm nâng cao tính chủ động và trách nhiệm cộng đồng.

Giải pháp dài hạn còn bao gồm việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực dân tộc thiểu số, từ phổ cập giáo dục, đào tạo nghề đến hỗ trợ khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp tại địa bàn khó khăn. Song song, tỉnh tiếp tục coi văn hóa là nền tảng giữ gìn bản sắc, làm động lực phát triển du lịch cộng đồng và tạo việc làm tại chỗ.

Với những nỗ lực cải cách chính sách, tháo gỡ điểm nghẽn và đặt trọng tâm vào phát triển bền vững, Điện Biên đang từng bước khẳng định vai trò là địa phương thực hiện hiệu quả chính sách dân tộc khu vực miền núi phía Bắc. Tuy nhiên, để thành công, vẫn cần sự vào cuộc đồng bộ từ Trung ương, chính quyền cơ sở và chính người dân địa phương.

Với những kết quả đạt được trong 5 năm qua và những giải pháp đột phá hướng tới giai đoạn tới, tỉnh Điện Biên đang dần khẳng định vị thế là một trong những địa phương thực hiện hiệu quả chính sách dân tộc ở miền núi phía Bắc. Vấn đề còn lại là sự đồng hành từ Trung ương, tính chủ động từ địa phương và sự hưởng ứng tích cực từ chính người dân.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/dien-bien-thao-go-diem-nghen-trong-thuc-hien-chinh-sach-dan-toc-post739895.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/dien-bien-thao-go-diem-nghen-trong-thuc-hien-chinh-sach-dan-toc-post739895.html
Bài liên quan
Ngọn lửa bền bỉ thắp sáng giáo dục Điện Biên
Tinh thần thi đua yêu nước đang thắp lửa vượt khó và đổi mới trong mỗi ngôi trường ở Điện Biên.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Điện Biên tháo gỡ điểm nghẽn trong thực hiện chính sách dân tộc