Diễn đàn Quản trị cấp cao Việt Nam-Singapore: Cấp bách đưa tính bền vững vào kinh doanh

12/05/2023, 17:10
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Phát triển bền vững dựa trên sự kết hợp chặt chẽ, hợp lý, hài hòa giữa 3 mặt của sự phát triển, gồm kinh tế, xã hội, và bảo vệ môi trường. Hiện nay việc đưa chiến lược bền vững cũng như phương thức mới để đạt được tăng trưởng và thịnh vượng trở thành vấn đề vô cùng cấp bách.

Diễn đàn Quản trị cấp cao Việt Nam - Singapore: Cấp bách đưa tính bền vững vào kinh doanh - Ảnh 1.

Diễn đàn Quản trị cấp cao Việt Nam-Singapore (VSBF 2023) lần 3 - Ảnh: VGP/HG

Đây là nội dung được các nhà lãnh đạo cấp cao, doanh nghiệp lớn chia sẻ tại Diễn đàn Quản trị cấp cao Việt Nam-Singapore (VSBF 2023) lần 3 với chủ đề "Thúc đẩy phát triển bền vững và tăng trưởng bao trùm trong kỷ nguyên số", tổ chức ngày 12/5 tại Hà Nội.

Phát biểu tại diễn đàn, Đại sứ Singapore tại Việt Nam Jaya Ratnam cho biết, năm 2023 là năm đánh dấu cột mốc quan trọng kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước và 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược. Hợp tác kinh tế là nền tảng cho mối quan hệ song phương Việt Nam-Singapore.

Trong lộ trình cho những năm tiếp theo, hai nước vẫn còn nhiều cơ hội để hợp tác cùng nhau trong các lĩnh vực tăng trưởng mới, bao gồm kinh tế số, năng lượng tái tạo, tín dụng carbon, an ninh mạng và cơ sở hạ tầng bền vững.

Nêu ý kiến từ góc độ các cơ quan quản lý, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng cho biết, theo đuổi mục tiêu phát triển bền vững, Việt Nam đã đưa ra cam kết phấn đấu đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 và 2 cam kết khác có liên quan chặt chẽ đến ngành nông nghiệp, đó là cam kết tham gia sáng kiến "Giảm phát thải khí methan toàn cầu" và cam kết thực hiện "Tuyên bố Glasgow về rừng và sử dụng đất". Việt Nam đã giảm dần việc sử dụng năng lượng từ nguồn hóa thạch như than đá, dầu mỏ và tăng nguồn năng lượng tái tạo để thay thế.

Để làm được theo các cam kết trên thì vai trò của công nghệ hết sức quan trọng, bởi những công nghệ mới có thể sử dụng để giảm phát thải khí nhà kính. Tuy nhiên, Việt Nam cần được chuyển giao công nghệ từ các nước và để lan tỏa công nghệ thì phải có nguồn lực hấp thụ công nghệ đươc chuyển giao.

Thứ trưởng Trần Văn Tùng cũng cho biết, Bộ KH&CN đã và đang có những hoạt động thiết thực đồng hành, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp. Chẳng hạn như thực hiện chuyển giao công nghệ trong quá trình chuyển đổi số cho lĩnh vực giao thông vận tải; có chương trình hỗ trợ việc phát triển năng lượng…

Khẳng định việc lựa chọn định hướng phát triển bền vững là xu hướng tất yếu, ông Hồ Sỹ Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cho biết, phát triển bền vững là một chiến lược toàn cầu, dựa trên sự kết hợp chặt chẽ, hợp lý, hài hòa giữa 3 mặt của sự phát triển, gồm kinh tế, xã hội, và bảo vệ môi trường. Lợi ích tổng thể này tương đồng với những nội dung trong mục tiêu bao trùm mà Chính phủ Việt Nam đang theo đuổi.

Để đạt mục tiêu này, các cấp, các ngành cần tiếp tục thông tin và nâng cao nhận thức về phát triển bền vững, nhất là ban hành rõ ràng các yêu cầu, tiêu chuẩn và quy định, lộ trình thực hiện. Đồng thời cần tập trung vào chính sách phát triển công nghệ xanh: Xanh hóa các ngành công nghiệp hiện có, chuyển đổi sang một cơ cấu công nghiệp tiên tiến hơn; tăng đầu tư cho nghiên cứu và phát triển các lĩnh vực công nghiệp xanh; phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ về công nghệ xanh; phát triển ngành công nghiệp mới và có giá trị gia tăng cao, thiết lập thị trường phát thải carbon, xây dựng cơ chế tài chính xanh, ưu đãi thuế cho các hoạt động thân thiện với môi trường…

Thu hẹp khoảng cách giữa phát triển bền vững và bài toán lợi nhuận

Chia sẻ kinh nghiệm chuyển đổi từ Temasek, ông Lim Boon Heng, nguyên Bộ trưởng Nội các trong Văn phòng Thủ tướng Chính phủ Singapore, Chủ tịch Temasek Holdings, Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) cho hay, bền vững là yếu tố trọng tâm cho mọi hoạt động tại Temasek. Hằng năm, hội nghị về hệ sinh thái và sự phát triển thịnh vượng - Ecosperity là một trong những nền tảng chính để tập đoàn khuyến khích và hỗ trợ phát triển bền vững.

"Chúng tôi hợp tác với các nhà lãnh đạo toàn cầu ở cả lĩnh vực tư và lĩnh vực công, với giới học thuật và xã hội dân sự, trao đổi quan điểm và giải pháp tốt nhất, thúc đẩy kế hoạch tăng trưởng bền vững. Hội nghị năm nay diễn ra từ ngày 6-8/6", ông Lim Boon Heng cho hay.

Còn theo ông Wong Kim Yin, Chủ tịch và CEO Tập đoàn Sembcorp Industries Ltd, để có thể thu hẹp khoảng cách giữa phát triển bền vững và bài toán lợi nhuận, thời gian qua Sembcorp đã thúc đẩy tăng trưởng từ năng lượng tái tạo và hệ thống lưu trữ. Doanh nghiệp cũng tăng đầu tư vào năng lượng tái tạo và lưu trữ năng lượng, mở rộng giải pháp bền vững cho khách hàng, đối tác và nhà cung cấp, đặc biệt là đưa KPI về tính bền vững vào hoạt động kinh doanh, quy trình và công nghệ.

Đối với các doanh ngiệp Việt Nam, trong những năm gần đây, xuất phát từ nhu cầu gia tăng của các nhà đầu tư về đầu tư bền vững và sự quan tâm của Chính phủ, đặc biệt sau cam kết của Việt Nam tại COP26, các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp Nhà nước đã dần quan tâm tới ESG (tiêu chí về môi trường, xã hội, quản trị doanh nghiệp) và thực hành các thông lệ ESG trong hoạt động sản xuất kinh doanh với các cấp độ khác nhau.

Ông Hoàng Quốc Vượng, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cho biết, trên hành trình ESG, PVN đã và đang thực hiện các công việc, như thường xuyên trao đổi, đánh giá để nhận diện các vấn đề trọng yếu về ESG cần giải quyết. Đồng thời cân bằng các yếu tố môi trường, xã hội, quản trị trong quá trình thực hành ESG, thiết lập cơ cấu quản trị ESG.

"Trong thời điểm hiện nay, chúng tôi xác định chuyển dịch năng lượng là quá trình phát triển tất yếu. Do vậy, ngoài cơ cấu tổ chức đã được thiết lập để quản trị tốt ESG, chúng tôi đã thành lập các ban chỉ đạo liên quan khác, gồm Ban Chỉ đạo chuyển dịch năng lượng do Tổng giám đốc PVN làm Trưởng ban, Tổng Giám đốc các đơn vị là thành viên.

PVN cũng đã thành lập tổ quản lý rủi ro với chức năng nhiệm vụ nhận diện, đánh giá và cảnh báo các rủi ro về tài chính, pháp lý, môi trường, quản trị trong quá trình hoạt động của PVN cũng như đề ra các biện pháp kiểm soát phòng ngừa, khắc phục hậu quả", ông Hoàng Quốc Vượng cho biết thêm.

Trong định hướng sắp tới, PVN tiếp tục hoàn thiện chiến lược về ESG song song với việc hoàn thiện chiến lược phát triển của Tập đoàn; liên tục cải tiến bộ máy quản trị ESG phù hợp để xây dựng các chỉ tiêu ESG cụ thể và đánh giá việc thực hiện các mục tiêu đã thiết lập; nâng cao quá trình thực hành ESG; tiếp tục đánh giá, lựa chọn các vấn đề trọng yếu và công bố thông tin đầy đủ, chính xác, tin cậy…


Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Diễn đàn Quản trị cấp cao Việt Nam-Singapore: Cấp bách đưa tính bền vững vào kinh doanh