Điều chỉnh lệch chuẩn văn hóa học đường

Hà Linh | 22/10/2022, 06:39
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Biến quy tắc ứng xử văn hóa thành hành động là nỗ lực của ngành GD Điện Biên nhằm hạn chế và đẩy lùi hành vi “lệch chuẩn” trong trường học.

“Kim chỉ nam” để ứng xử văn hóa

Trường THCS Pom Lót (huyện Điện Biên) là nơi theo học của 567 học sinh. Đây là cơ sở giáo dục tiên phong trong xây dựng và triển khai bộ quy tắc ứng xử trường học tại địa phương.

Theo cô Trần Thị Bích Nga, Hiệu trường nhà trường, bộ quy tắc được xây dựng trên cơ sở lấy giáo viên và học sinh làm trung tâm. Từ đó, xác định đây là “kim chỉ nam” trong việc giáo dục, xây dựng ý thức, trách nhiệm và văn hóa ứng xử của tập thể sư phạm nhà trường.

“Bộ quy tắc quy định cụ thể những việc nên làm và không nên làm trong các mối quan hệ ứng xử. Thể hiện đầu tiên là thông qua trang phục, ngôn ngữ, hành vi ứng xử không chỉ đối với học sinh, mà lấy chính thầy, cô giáo làm gương”, cô Nga cho hay.

Tại Trường THCS - THPT Tả Sìn Thàng (huyện Tủa Chùa), theo thầy Hiệu trưởng Trần Huy Hoàng, do đa phần là học sinh con em đồng bào dân tộc thiểu số, nên bộ quy tắc được xây dựng với nhiều quy định riêng biệt. Trong đó, chú trọng vào các quy tắc giữ gìn nền nếp sinh hoạt; xây dựng tình yêu thương, chia sẻ và giúp đỡ lẫn nhau trong học sinh.

Cũng theo lãnh đạo nhà trường, giáo viên là “tấm gương” phản chiếu rõ nét nhất để học sinh noi theo. Do vậy, những quy tắc này không chỉ quy định cho học sinh, mà còn đề cập đến cách ứng xử văn hóa giữa giáo viên với giáo viên, thầy với trò và với nhân dân.

Điều chỉnh 'lệch chuẩn' văn hóa học đường ảnh 1
Bộ quy tắc ứng xử lấy giáo viên và học sinh làm trọng tâm.

“Dựa trên những quy định này, nhà trường yêu cầu mỗi giáo viên tự hoàn thiện cả năng lực chuyên môn và nghiệp vụ sư phạm. Thông qua các chuyên đề tổ nhóm để xây dựng quan hệ giao tiếp có văn hóa, đúng mực, dân chủ, thân thiện và kỹ năng xử lý tình huống sư phạm trong nhà trường. Ngoài ra, chế độ khen thưởng và kỷ luật hợp lý, công bằng cũng sẽ kích thích được đội ngũ cán bộ, giáo viên và học sinh thực hiện có hiệu quả những quy tắc này”, thầy Hoàng chia sẻ.

Liên quan đến nội dung này, tỉnh Điện Biên đã xây dựng riêng một đề án trong cả giai đoạn 2018 – 2025. Là cơ quan thường trực chủ trì, Sở GD&ĐT đã ban hành kế hoạch và hướng dẫn các cơ sở giáo dục cụ thể hóa bằng những hình thức, việc làm phù hợp.

“Sau 4 năm thực hiện đề án, nhiều nhóm giải pháp thiết thực, đồng bộ đã được triển khai; trong đó, công tác tuyên truyền được đặt lên hàng đầu. 90% trường học đạt tiêu chuẩn xanh, sạch, đẹp, an toàn, lành mạnh, thân thiện. Đặc biệt, 100% trường học xây dựng hoàn thiện bộ quy tắc ứng xử phù hợp với đối tượng, điều kiện từng địa bàn. Từ đó, đơn vị, cá nhân bám vào từng quy định cụ thể để tổ chức thực hiện, xử lý vi phạm và khen thưởng định kỳ”, ông Nguyễn Văn Đoạt - Giám đốc Sở GD&ĐT Điện Biên cho hay.

Điều chỉnh 'lệch chuẩn' văn hóa học đường ảnh 2
Các hoạt động ngoại khóa, lồng ghép giáo dục văn hóa ứng xử trường học thu hút đông đảo học sinh tham gia.

“Mềm hóa” hình thức tuyên truyền

Để những quy định xây dựng không chỉ dừng lại ở khẩu hiệu, theo đại diện Ban giám hiệu Trường THCS Pom Lót, nội dung bộ quy tắc được niêm yết công khai, thường xuyên tại các vị trí tập trung, như: Bảng tin, bảng thông báo, cổng trường… và trên trang thông tin điện tử.

Ngoài ra, việc truyền thông được “mềm hóa” thông qua các buổi sinh hoạt chuyên đề, ngoại khóa, tiết chào cờ đầu tuần. “Tại đây, các quy tắc ứng xử được cụ thể hóa bằng việc tái hiện những câu chuyện, vở kịch ý nghĩa liên quan. Cũng có thể là thông tin vấn đề mang tính thời sự, để các em tự nhìn nhận, đánh giá. Từ đó, rút ra bài học bổ ích về đạo đức và kỹ năng sống để tự rèn luyện cách ứng xử cho mình”, cô Nga chia sẻ.

Còn theo em Lò Đức Thuận, lớp 8C3 Trường THCS Pom Lót, việc tham gia sinh hoạt tại các câu lạc bộ của nhà trường giúp rèn luyện bản thân rất nhiều. Thuận cho biết, bên cạnh việc có môi trường hoạt động theo sở thích, mỗi buổi sinh hoạt định kỳ hàng tháng của câu lạc bộ đều có chủ đề giáo dục cụ thể.

Đối với Trường THCS – THPT Tả Sìn Thàng, việc truyền thông cũng được cụ thể hóa bằng hình thức “sân khấu hóa”. Trong đó, học sinh làm chủ và “nhập vai” vào từng hoàn cảnh, trường hợp được ghi nhận từ thực tế. “Với môi trường đồng cảm, gần gũi như thế, học sinh sẽ dễ dàng nhìn thấy mình trong đó. Vì thế, các em dễ hiểu hơn, biết mình nên làm gì và không nên làm gì”, thầy Hoàng nói.

Dựa trên những đánh giá kết quả từ thực tế, ngành Giáo dục Điện Biên xác định tiếp tục duy trì, phát huy hiệu quả bộ quy tắc ứng xử trong trường học. Trong đó, công tác truyền thông sẽ hướng đến việc huy động sự phối hợp tích cực giữa nhà trường, gia đình và xã hội.

“Ngoài ra, ngành tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất và bảo đảm các thiết chế để nâng cao hiệu quả tổ chức các hoạt động, câu lạc bộ về văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao cho học sinh, sinh viên cũng là yếu tố cần thiết mà các nhà trường phải quan tâm hơn. Từ đó tạo môi trường lành mạnh để các em sinh hoạt, rèn luyện, hoàn thiện bản thân theo giá trị chân – thiện – mỹ”, ông Đoạt cho hay.

“Tháng 9, chúng em xây dựng chủ đề về an toàn giao thông, tháng 10 là bạo lực học đường… Tại đây, chúng em cùng nhau chia sẻ kiến thức, khó khăn... và phương thức tiếp cận, giải quyết vấn đề đặt ra. Mỗi buổi sinh hoạt đều được thầy cô đồng hành để định hướng và trợ giúp. Vì thế, các bạn sẽ tự hiểu và xây dựng ý thức hành động có văn hóa cho mình, mà không phụ thuộc vào quy tắc, quy định”, Lò Đức Thuận chia sẻ.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Điều chỉnh lệch chuẩn văn hóa học đường