Còn tại trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp (ĐH Thái Nguyên), ngay sau khi Nghị định 97 được ban hành, nhà trường đã có những giải pháp nhằm chia sẻ với những khó khăn của sinh viên, thông qua việc triển khai các mức ưu đãi về học bổng dành cho sinh viên nghèo, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn nỗ lực vươn lên trong học tập và rèn luyện.
PGS.TS Ngô Như Khoa, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp, Đại học Thái Nguyên cho biết: Đối với một cơ sở giáo dục công lập, đầu tư cho giáo viên, giảng viên, đầu tư cho cơ sở vật chất và đầu tư cho trang thiết bị học tập chính là đầu tư cho người học, từ đó chất lượng học tập cũng sẽ được nâng lên nhờ vào mức đóng góp của chính học sinh, sinh viên, vì vậy tôi cho rằng việc tăng học phí của Chính phủ là cực kỳ cần thiết.
Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn nhiều sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, chính vì vậy với mong muốn, sẻ chia đồng hành cùng sinh viên. Nhà trường đã bàn bạc, thống nhất và đi đến quyết định sẽ không truy thu học phí học kỳ I năm học 2023 – 2024 và coi đây là phần hỗ trợ, chia sẻ với người học và mức tính học phí theo khung giá mới sẽ bắt đầu từ học kỳ II".
Có thể thấy, việc tăng học phí là tất yếu khách quan của giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp, qua đó góp phần mở rộng, tăng cường cơ sở vật chất, thu hút và bồi dưỡng đội ngũ giảng viên giỏi, chính vì vậy việc tăng học phí và tăng học phí thường xuyên có lộ trình theo đúng tinh thần của Nghị định 97 là điều tất yếu.