Đối với doanh nghiệp đầu tư dự án BOT, Cục Đường bộ Việt Nam cho biết với lưu lượng giao thông cập nhật, trong trường hợp không điều chỉnh giá, ước tính lũy kế doanh thu từ đầu dự án đến hết năm 2025, chỉ có 16 dự án có mức doanh thu đạt trên 75% mức doanh thu trong phương án tài chính tại hợp đồng dự án PPP.
Trong trường hợp điều chỉnh giá, ước tính lũy kế doanh thu từ đầu dự án đến hết năm 2025, có 26 dự án có mức đạt trên 75% mức doanh thu trong phương án tài chính tại hợp đồng dự án PPP.
Lý giải về tăng giá vé các dự án BOT, Cục Đường bộ Việt Nam, cho biết các dự án BOT do Bộ GTVT quản lý đưa vào khai thác chủ yếu từ trước năm 2016, theo quy định của hợp đồng dự án BOT, một chu kỳ điều chỉnh giá vé là 3 năm/lần (với mức tăng 6%/năm).
Mặc dù các dự án, trạm thu phí đã đến kỳ tăng giá vé từ năm 2019-2022, cá biệt có những dự án đã đến chu kỳ tăng vé lần 2 nhưng vẫn chưa được tăng giá làm ảnh hưởng đến phương án tài chính và khả năng hoàn vốn của dự án.
Để có giải pháp xử lý vướng mắc, bất cập tại một số dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT, Quốc hội, Chính phủ và Bộ GTVT đã tổ chức nhiều cuộc họp, hội nghị và có các văn bản hướng dẫn để tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án BOT.
Cục Đường bộ Việt Nam đã yêu cầu các nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án thông báo công khai và niêm yết mức giá, thời điểm áp dụng mức giá mới theo quy định tại Thông tư số 45/2021 của Bộ GTVT. Niêm yết mức giá, phí sản phẩm, dịch vụ công được điều chỉnh tại địa điểm cung cấp sản phẩm, dịch vụ công theo quy định của pháp luật về giá, phí. Sau khi hoàn thiện thủ tục điều chỉnh giá vé, phối hợp với các nhà cung cấp dịch vụ thu phí không dừng thực hiện điều chỉnh tăng giá dịch vụ sử dụng đường bộ đúng mức giá, đúng thời điểm, thực hiện công tác thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ đúng quy định. |