Điều gì đằng sau việc Mỹ lần đầu điều tàu ngầm hạt nhân tới Hàn Quốc sau 40 năm?

23/07/2023, 11:30
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Chuyên gia nhận định tàu ngầm hạt nhân của Mỹ ghé cảng Hàn Quốc giúp tăng cường năng lực răn đe đối với Triều Tiên.

Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol phát biểu hôm 19-7 khi thăm tàu ngầm hạt nhân USS Kentucky của Mỹ đang ghé cảng Busan. Ảnh: YONHAP

Uy lực tàu ngầm hạt nhân Mỹ

Theo chuyên gia, đa phần tàu ngầm hạt nhân của Mỹ hoạt động dựa vào tính bí mật và khả năng tàng hình để đảm bảo sự tồn tại và duy trì khả năng phóng tên lửa hạt nhân khi xung đột xảy ra. Chính vì thế, việc ghé thăm công khai tại một cảng nước ngoài là rất hiếm đối với loại tàu ngầm này.

Theo ông Vann Van Diepen - cựu chuyên gia vũ khí của Mỹ - cho biết tàu ngầm hạt nhân là phương tiện vận chuyển vũ khí hạt nhân có khả năng sống sót cao nhất trong tất cả loại khí tài hạt nhân của Mỹ, nhất là việc đảm bảo trả đũa hạt nhân áp đảo trong trường hợp kẻ thù tấn công trước.

“Tàu ngầm hạt nhân của Mỹ có thể nhắm các mục tiêu ở Triều Tiên từ bất cứ nơi nào trên bờ biển phía tây của Mỹ. Do đó, Triều Tiên luôn nằm trong tầm ngắm của các tàu ngầm hạt nhân Mỹ” - ông Van Diepen cho hay.

Hải quân Mỹ có 14 tàu ngầm hạt nhân. Các tàu ngầm hạt nhân lớp Ohio mang theo 20 tên lửa Trident II D5, mỗi tên lửa có thể mang tới 8 đầu đạn hạt nhân. Các tên lửa này có khả năng bắn tới các mục tiêu cách xa 12.000 km.

Triều Tiên chưa thể có ngay tàu ngầm hạt nhân

Tàu USS Kentucky thuộc lớp Ohio nặng 18.750 tấn ghé cảng Busan vào thời điểm căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên không có dấu hiệu giảm nhiệt. Do đó, sự kiện này vấp phải phản ứng mạnh mẽ từ phía Bình Nhưỡng.

Hãng thông tấn Triều Tiên KCNA ngày 20-7 dẫn cảnh báo của Bộ trưởng Quốc phòng Triều Tiên Kang Sun-nam rằng việc Mỹ triển khai tàu sân bay, máy bay ném bom hoặc tàu ngầm tại Hàn Quốc có thể nằm trong các điều kiện pháp lý cho phép Triều Tiên sử dụng vũ khí hạt nhân để đáp trả.

“Tôi nhắc nhở quân đội Mỹ về thực tế rằng tần suất triển khai ngày càng tăng tàu ngầm hạt nhân chiến lược và các tài sản chiến lược khác [tại Hàn Quốc] có thể thuộc các điều kiện sử dụng vũ khí hạt nhân được quy định trong pháp luật của Triều Tiên về chính sách lực lượng hạt nhân” - ông Kang cảnh báo.

Tiếp đó, vào ngày 22-7, Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc (JCS) cho biết Triều Tiên bắn một số tên lửa hành trình vào biển Hoàng Hải - vùng biển nằm giữa bán đảo Triều Tiên và Trung Quốc.

Bình Nhưỡng cũng có lực lượng tàu ngầm đông đảo nhưng già cỗi với nhiệm vụ chính là bảo vệ bờ biển của nước này. Triều Tiên đang tìm cách phát triển kho vũ khí tàu ngầm tên lửa, theo hãng Reuters.

Ông Van Diepen lưu ý Triều Tiên từng phóng tên lửa từ các tàu ngầm và từ năm 2016, nước này cũng đang tìm cách chế tạo một tàu ngầm mang tên lửa thông thường.

Tuy nhiên ông Van Diepen nhận định Bình Nhưỡng phải mất nhiều năm nữa mới phát triển được năng lực chế tạo tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân.

Theo (Pháp luật TPHCM)
https://plo.vn/dieu-gi-dang-sau-viec-my-lan-dau-dieu-tau-ngam-hat-nhan-toi-han-quoc-sau-40-nam-post743593.html
Copy Link
https://plo.vn/dieu-gi-dang-sau-viec-my-lan-dau-dieu-tau-ngam-hat-nhan-toi-han-quoc-sau-40-nam-post743593.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Điều gì đằng sau việc Mỹ lần đầu điều tàu ngầm hạt nhân tới Hàn Quốc sau 40 năm?