Thay đổi cấu trúc, biểu điểm, ngữ liệu… là những điểm khiến thí sinh bị "ngợp" với cách thức ra đề thi kiểu mới trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm nay.
Kỳ thi vào lớp 10 năm 2025 là kỳ tuyển sinh đầu tiên chính thức áp dụng theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Vì thế, đề thi sẽ mang một "diện mạo" mới theo đúng tinh thần của đổi mới.
Dù đã chuẩn bị tinh thần và được học trong chương trình, tuy nhiên, ngữ liệu môn thi ngữ văn, tiếng Anh vẫn khiến nhiều em học sinh không khỏi bất ngờ và có phần bỡ ngỡ.
"Sạch bong" ngữ liệu trong sách giáo khoa
Tại kỳ thi vào lớp 10 Trường Phổ thông Năng khiếu TPHCM, ở môn thi tiếng Anh, nhiều thí sinh gặp khó vì có nhiều "từ lạ", nhất là trong phần word form (dạng của từ) và viết lại câu.
Ở môn ngữ văn không chuyên, thí sinh khá ấn tượng với ngữ liệu được cung cấp trong đề thi vì sự gần gũi, song cũng không dễ để lấy điểm cao.
Cấu trúc đề ngữ văn gồm 3 phần đọc hiểu (4 điểm), viết đoạn văn (2 điểm) và nghị luận xã hội (4 điểm).
Ngữ liệu của đề là truyện cổ tích Chim họa mi của tác giả Hans Christian Andersen - nhà văn Đan Mạch nổi tiếng với các tác phẩm Cô bé bán diêm, Nàng tiên cá, Chú lính chì dũng cảm…
Nội dung chính của truyện kể về một nhà vua yêu thích tiếng chim hót và ông có một con chim họa mi hót rất hay. Một ngày, vua được tặng một con chim máy, khi vặn hộp nhạc sẽ phát ra tiếng hay không kém họa mi thật. Điều này khiến ông xao nhãng chú chim luôn "bầu bạn" với mình lâu nay.
Một thời gian sau, con chim máy bị hỏng, dù được sửa nhưng tiếng hót không còn hay như trước. Khi nhà vua bệnh nặng, con chim thật lại quay về, cất tiếng hót để cứu vua khỏi cái chết. Lúc này, nhà vua muốn giữ lại chú chim thật và đập nát con chim bằng máy. Nhưng họa mi khuyên vua thả mình về rừng...
Từ đó, đề yêu cầu thí sinh trả lời một số câu hỏi trắc nghiệm về thể loại văn bản, các phép liên kết, xác định nội dung chính…
Cùng với đó, phần này có 2 câu tự luận, yêu cầu viết 5-7 dòng. Trong đó, thí sinh được hỏi ý nghĩa câu nói của chim họa mi khi khuyên nhà vua thả mình đi.
Phần viết đoạn văn (200 chữ) yêu cầu thí sinh phân tích nội dung hoặc nghệ thuật của câu chuyện trên, liên hệ tới cách con người ngày nay thưởng thức nghệ thuật.
Phần nghị luận xã hội cho 2 đề để thí sinh lựa chọn. Đề 1 nêu thực tế có xu hướng nhiều người dùng trí tuệ nhân tạo (AI) nhằm tạo ra những sản phẩm mới. Điều này đặt ra vấn đề vi phạm đạo đức, bản quyền, sao chép ý tưởng. Từ đó, đề hỏi suy nghĩ của thí sinh về vấn đề nêu trên.
Đề 2 đề cập trong câu chuyện cổ ở phần đọc hiểu, hỏi thí sinh suy nghĩ gì về hành động của nhà vua, thể hiện quan điểm về cách con người đối xử với đồ vật, con vật mà họ sở hữu.
Nguyễn Thân Tuyết Nhi, học sinh Trường THCS Lam Sơn, TPHCM cho rằng đề thi năm nay thực tế và ngắn gọn hơn, chủ đề ứng dụng công nghệ trong cuộc sống gần gũi và thời sự nhưng khó lấy ví dụ tiêu biểu.
"Chủ đề này cũng rộng nên em không đủ thời gian làm bài, đáng ra, em có thể viết dài hơn. Vì hết giờ nên em vội vàng kết bài", Nhi chia sẻ.
Còn Thanh Trúc, học sinh Trường THCS-THPT Trần Đại Nghĩa, TPHCM, cho biết: "Đề ngữ văn không quá khó nhưng dễ khiến thí sinh đi lạc đề. Em kịp làm hết đề nhưng không chắc ý kiến của mình chính xác không", Thanh Trúc chia sẻ và kỳ vọng được 7 điểm.
Dành một khoảng thời gian đáng kể để suy nghĩ về chủ đề công nghệ trong nghệ thuật, song Uyển Nhi học sinh Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm, Đồng Nai, không tìm ra cách triển khai phù hợp.
"Đề 1 khá mới lạ, em không biết phải làm thế nào", Uyển Nhi lúng túng. Cuối cùng, em đã chọn thực hiện đề thi số 2, tập trung vào cách con người đối xử với những đồ vật trân quý và sự tôn trọng quyền sở hữu của người khác.
Bên cạnh đó, nhiều thí sinh lại thoải mái trong làm bài. Văn Tuấn Dũng, học sinh Trường THCS Nguyễn Văn Bé, TPHCM, cho rằng đề thi năm nay dễ hơn tưởng tượng. Song, đề tiếng Anh cũng hơi khó, nhưng em làm được hết, Dũng chia sẻ.
Thay đổi cấu trúc và biểu điểm môn ngữ văn
Là tỉnh đầu tiên tổ chức thi tuyển sinh lớp 10 năm 2025, Bạc Liêu có sự đổi mới về cấu trúc và biểu điểm ở môn ngữ văn.
Đề thi năm nay gồm 2 phần: Đọc hiểu (6 điểm) và Phần viết (4 điểm). Trong đó, phần đọc hiểu cung cấp một đoạn thơ và có 6 câu hỏi liên quan tới văn bản trên, mỗi câu 1 điểm. Phần viết yêu cầu thí sinh viết bài văn nghị luận trình bày suy nghĩ về sự bất đồng quan điểm sống giữa cha mẹ và con cái trong gia đình, từ đó đề xuất hướng giải quyết.
Điểm này khác với trước đây khi đề thi thường có cấu trúc 20 điểm với đọc hiểu (7 điểm) và phần làm văn (13 điểm). Trong đó, phần làm văn có 2 câu về viết đoạn văn khoảng 200 chữ (5 điểm) và phân tích tác phẩm văn học (8 điểm).
Đề thi ngữ văn cũng không xuất hiện các ngữ liệu trong sách giáo khoa mà được lấy từ các nguồn bên ngoài.
Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm 2025 hứa hẹn sẽ mang đến một làn gió mới với cấu trúc đề thi và ngữ liệu có sự thay đổi đáng kể, đặc biệt ở môn ngữ văn. Điều này sẽ tạo ra không ít thách thức cho các thí sinh, đòi hỏi các em không chỉ nắm vững kiến thức mà còn cần có khả năng tư duy linh hoạt và ứng dụng thực tế.
Đây có thể xem là bước chuyển mình cần thiết để đánh giá toàn diện hơn năng lực của học sinh theo định hướng của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.