Bữa sáng với cơm nóng, rau và thức ăn mới nấu giúp bổ sung năng lượng, ngăn đau dạ dày, cải thiện trí nhớ sau gần 15 tiếng cơ thể không được nạp dinh dưỡng.
Bữa sáng là bữa ăn quan trọng nhất trong ngày, không nên bỏ qua nếu muốn duy trì sức khỏe thể chất và tinh thần.
Theo TS Từ Ngữ, Tổng Thư ký Hội Dinh dưỡng Việt Nam, đây là thời điểm cơ thể bắt đầu khởi động sau một đêm dài không nạp năng lượng, cần được cung cấp đầy đủ dưỡng chất để hoạt động hiệu quả.
Từ 7h đến 9h là "khung giờ vàng" cho bữa sáng, khi dạ dày hoạt động mạnh. Không ăn, axit dạ dày sẽ tiết ra mà không có gì để co bóp, dễ dẫn đến viêm loét. Ngoài ra, não bộ thiếu đường glucose khiến cơ thể mệt mỏi, giảm tập trung, dễ rơi vào trạng thái "tạm thời quên".
Ăn cơm sáng thay vì chỉ bánh mì hay đồ ăn nhanh, mang lại nhiều lợi ích. Một bữa cơm tươm tất gồm cơm nóng, rau và thức ăn mới nấu cung cấp đầy đủ năng lượng, canxi, vitamin A, C, kẽm, sắt... đặc biệt tốt cho trẻ em và thanh thiếu niên. Tuy nhiên, chuyên gia khuyến cáo không nên dùng lại đồ ăn thừa từ tối hôm trước để tránh mất giá trị dinh dưỡng và ảnh hưởng tiêu hóa.
Dù vậy, ăn sáng cũng cần hợp lý. Không nên ăn quá muộn, đặc biệt sau 10h, vì sẽ ảnh hưởng đến bữa trưa. Mỗi người tùy công việc, điều kiện kinh tế và thói quen có thể lựa chọn thực đơn phù hợp, miễn là đảm bảo nguyên tắc, ăn sáng đầy đủ, đúng giờ và lành mạnh.
"Không tự nhiên lại có câu: sáng ăn như vua, trưa ăn như chúa, tối ăn như bần cố nông", TS Từ Ngữ nói. Sau khoảng 15 tiếng không ăn uống, cơ thể cần nạp đủ năng lượng để bước vào một ngày dài làm việc.
Chuyên gia cũng lưu ý, nên kiểm soát lượng glucose nạp vào để tránh quá trình glycation và stress oxy hóa - những yếu tố có thể làm tổn hại mô cơ thể nếu tích tụ lâu dài.
Tóm lại, bữa sáng nên linh hoạt theo từng người, nhưng nếu có thể hãy ưu tiên cơm nóng với thức ăn tươi để cơ thể đủ năng lượng, trí não minh mẫn, dạ dày khỏe mạnh.