Mới đây, phụ huynh có con ở độ tuổi chuẩn bị vào lớp Một ở phường Phước Long (Nha Trang, Khánh Hòa) rất lo lắng với phương án “xoay vòng”, “đảo chiều” do UBND phường này đề xuất trong tuyển sinh lớp Một. Theo đó, các tổ dân phố đã tuyển sinh trong tuyến thuộc Trường Tiểu học Phước Long 1 năm học này thì năm học tiếp theo sẽ thuộc tuyến tuyển sinh của Trường Tiểu học Phước Long 2 và ngược lại.
Việc “đảo chiều” trong tuyển sinh từng năm học, theo kết luận của UBND phường Phước Long nhằm tạo sự thống nhất, công bằng quyền và lợi ích của các hộ gia đình trên địa bàn phường. Phường Phước Long hiện có 2 trường tiểu học. Trong đó, Trường Tiểu học Phước Long 1 có quy mô và cơ sở vật chất khang trang hơn Trường Tiểu học Phước Long 2.
Nhiều phụ huynh băn khoăn với phương án “xoay vòng” tuyển sinh bởi dễ xảy ra tình trạng phụ huynh phải đưa đón con đi học với quãng đường khá xa. Cũng sẽ có trường hợp một gia đình phải đưa đón con ở 2 trường khác nhau cho dù đều đang học tiểu học. Được biết, phương án này của UBND phường Phước Long không gửi cho Phòng GD&ĐT Nha Trang tham khảo và cũng chưa từng có trong tiền lệ tuyển sinh đầu cấp.
Tình trạng quá tải học sinh tại các trường trung tâm, mất cân đối sĩ số học sinh, nơi thừa nơi thiếu… diễn ra khá phổ biến ở nhiều địa phương phần lớn xuất phát từ tâm lý “chọn trường, chọn cô” của phụ huynh. Giải pháp điều hòa chất lượng được ngành Giáo dục sử dụng là luân chuyển giáo viên và đầu tư cơ sở vật chất, rút ngắn sự chênh lệch trong điều kiện dạy – học giữa các trường. Đơn cử như câu chuyện tuyển sinh đầu cấp của Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng).
Tuyển sinh không đủ so với chỉ tiêu được giao là câu chuyện lặp đi lặp lại trong nhiều năm của nhà trường. Năm học nào, trường cũng “mất” khoảng 2 lớp Một do học sinh trên địa bàn chuyển sang trường khác. Trong khi đó, chỉ cách Trường Tiểu học Võ Thị Sáu khoảng 3 - 5km, các trường tiểu học như Hoàng Văn Thụ, Phan Thanh và Phù Đổng luôn trong tình trạng vỡ chỉ tiêu tuyển sinh.
Ngoài việc phụ huynh muốn con em học ở những trường trung tâm, còn phải kể đến vị trí Trường Võ Thị Sáu không thuận lợi cho việc đưa đón con em, do ngược đường với nơi làm việc của phụ huynh. Phần lớn học sinh ở đây là con em của gia đình có điều kiện khó khăn, con ngư dân, con của gia đình hộ trú ở các tỉnh, thành khác đến Đà Nẵng tạm trú làm ăn…
Để “giữ chân” học sinh trong tuyến theo học tại trường, Ban giám hiệu Trường Tiểu học Võ Thị Sáu nỗ lực trong nâng cao chất lượng đại trà và mũi nhọn, đẩy mạnh các hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm. UBND quận Hải Châu tập trung đầu tư cơ sở vật chất, đầu tư thiết chế tập luyện thể dục thể thao, xây dựng trường học theo hướng khang trang, hiện đại. Nhờ những nỗ lực như vậy, số học sinh của phường theo học trái tuyến tại các trường tiểu học khác chỉ còn khoảng 30 - 45 học sinh/năm.