Hiện bệnh sởi đang bùng phát ở một số nơi, đặc biệt có nơi trở thành dịch. Vậy mắc sởi có nên tắm không?
Bệnh sởi là một bệnh virus có tính lây truyền cao, rất phổ biến ở trẻ em, với đặc trưng là sốt, ho, sổ mũi, viêm kết mạc, ban đỏ trên niêm mạc miệng và ban dạng dát sẩn lan từ đầu đến chân.
Các biến chứng chủ yếu là viêm phổi hoặc viêm não, có thể gây tử vong, đặc biệt ở những khu vực thiếu quan tâm về y tế.
1. Sinh lý bệnh sởi
Sởi là do Paramyxovirus rất dễ lây lan. Tỷ lệ tấn công thứ phát là > 90% trong số những người dễ bị phơi nhiễm.
Sởi lan truyền chủ yếu bằng các chất tiết từ mũi, họng và miệng trong giai đoạn tiền triệu hoặc giai đoạn đầu của toàn phát. Khả năng lây nhiễm bắt đầu vài ngày trước và tiếp tục cho đến vài ngày sau khi phát ban xuất hiện. Bệnh sởi không thể lây lan được khi phát ban đã bắt đầu bay.
Đường lây bệnh thường điển hình là bởi các giọt hô hấp lớn thải ra thông qua ho và tồn tại trong không khí. Việc lây truyền cũng có thể xảy ra bởi các giọt nhỏ hoá hơi mà có thể giữ được không khí trong khoảng 2 giờ ở khu vực khép kín.
Ở trẻ nhũ nhi, nếu người mẹ miễn dịch với sởi (do đã từng bị bệnh trước hoặc tiêm chủng) nhận được các kháng thể qua nhau thai. Những kháng thể này bảo vệ cho hầu hết 6 - 12 tháng đầu đời.
2. Các triệu chứng và dấu hiệu của bệnh sởi
Sau giai đoạn ủ bệnh từ 7 - 14 ngày, bệnh sởi bắt đầu bằng sốt, viêm long đường hô hấp trên, ho khan và viêm kết mạc mắt. Đốm Koplik (giống như những hạt cát trắng có quầng đỏ bao quanh) là biểu hiện đặc trưng của bệnh.
Những đốm này xuất hiện trong giai đoạn tiền triệu trước khi bắt đầu phát ban, thường ở niêm mạc miệng đối diện với răng hàm trên thứ 1 và thứ 2. Chúng có thể lan rộng, tạo ra đốm đỏ lan toả trong niêm mạc miệng. Đau họng tiến triển.
Phát ban xuất hiện từ 3 - 5 ngày sau khi khởi phát triệu chứng, thường là 1- 2 ngày sau khi các hạt đốm Koplik xuất hiện. Phát ban bắt đầu trên mặt ở phía trước và sau tai và ở hai bên cổ, như những vết ban không đều, sau đó sớm hoà lẫn với các vết sẩn.
Trong vòng 24 - 48 giờ, tổn thương lan đến thân và chi (bao gồm cả lòng bàn tay và lòng bàn chân) khi chúng bắt đầu mờ dần trên mặt. Xuất huyết hoặc bầm máu có thể xảy ra trong những trường hợp nặng.
Trong giai đoạn bệnh nặng, nhiệt độ của bệnh nhân có thể vượt quá 40°C, phù nề quanh ổ mắt, viêm kết mạc, chứng sợ ánh sáng, ho khan, phát ban da, mệt mỏi và ngứa nhẹ.
Trong 3 - 5 ngày, sốt giảm, bệnh nhân cảm thấy dễ chịu hơn và phát ban nhanh chóng biến mất, để lại vết đổi màu nâu đồng sau đó bong vảy. Những bệnh nhân bị suy giảm miễn dịch có thể không bị phát ban và có thể bị viêm phổi tế bào khổng lồ nặng, tiến triển.
Các biến chứng của bệnh sởi bao gồm:
- Bội nhiễm vi khuẩn.
- Xuất huyết giảm tiểu cầu cấp tính.
- Viêm não.
- Viêm phổi.
- Viêm gan thoáng qua.
3. Chẩn đoán bệnh sởi
Chẩn đoán bệnh sởi dựa vào:
- Bệnh sử và khám lâm sàng.
- Xét nghiệm huyết thanh học.
- Phát hiện virus qua nuôi cấy hoặc sao chép ngược-PCR.
Có thể nghi ngờ bệnh sởi ở một bệnh nhân bị sổ mũi, viêm kết mạc, sợ ánh sáng và ho nhưng thường chỉ nghi ngờ bệnh sởi sau khi có phát ban. Chẩn đoán thường là dựa vào lâm sàng, bằng cách nhận biết các hạt Koplik hoặc phát ban.
Xét nghiệm là cần thiết cho các mục đích kiểm soát ổ dịch của y tế công cộng. Điều này được thực hiện dễ dàng nhất bằng cách chứng minh sự hiện diện của kháng thể IgM sởi trong mẫu huyết thanh cấp tính hoặc bằng cách nuôi cấy vi rút hoặc RT-PCR của mẫu gạc họng, máu, dịch mũi họng hoặc mẫu nước tiểu.
Sự gia tăng mức kháng thể IgG giữa huyết thanh giai đoạn cấp tính và hồi phục có độ chính xác cao, nhưng để thu thập thông tin này sẽ trì hoãn việc chẩn đoán. Tất cả các trường hợp nghi ngờ sởi nên được báo cáo cho sở y tế địa phương ngay cả trước khi có chẩn đoán xác định từ xét nghiệm.
Chẩn đoán phân biệt bao gồm rubella, tinh hồng nhiệt, phát ban do thuốc, mề đay, hồng ban ở trẻ sơ sinh, bệnh tăng bạch cầu đơn nhân nhiễm khuẩn, ban đỏ nhiễm trùng, nhiễm echovirus và coxsackievirus…
Phát ban trong bệnh sởi.
4. Điều trị bệnh sởi thông thường
Bệnh nhân dễ lây nhất trong 4 ngày sau khi phát ban. Những bệnh nhân khỏe mạnh và có thể được xử trí như bệnh nhân ngoại trú, cần phải được cách ly y tế khỏi những người khác trong thời gian bị bệnh. Các bệnh nhân bị bệnh sởi nhập viện nên được quản lý với các biện pháp phòng ngừa tiêu chuẩn và lây truyền qua đường không khí.
Bổ sung vitamin A đã được chứng minh là làm giảm tỷ lệ mắc bệnh và tử vong do bệnh sởi ở trẻ em ở các vùng chưa được phục vụ về mặt y tế. Do nồng độ vitamin A trong huyết thanh thấp có liên quan đến bệnh nặng do sởi, nên điều trị bằng vitamin A được khuyến cáo cho tất cả trẻ bị sởi.
Liều được cho uống một lần/ngày, trong 2 ngày và phụ thuộc vào tuổi của trẻ:
- ≥ 12 tháng: 200.000 đơn vị quốc tế (IU).
- 6 - 11 tháng tuổi: 100.000 IU.
- < 6="" tháng="" tuổi:="" 50.000="">
Ở trẻ em có dấu hiệu lâm sàng thiếu vitamin A, cần một liều bổ sung duy nhất, liều tuỳ thuộc lứa tuổi được lặp lại 2 đến 4 tuần sau đó.
5. Điều trị bệnh sởi theo y học cổ truyền
Việc tắm cho trẻ bị sởi rất quan trọng, không chỉ góp phần điều trị bệnh mà còn giúp làm sạch hàng ngày, tuy nhiên cần tắm đúng cách để có hiệu quả tốt nhất.
Theo y học cổ truyền, bệnh sởi còn gọi là ma chẩn, sa tử là một bệnh truyền nhiễm thường thấy ở trẻ em dưới 5 tuổi. Trẻ em bị xuất hiện những nốt đỏ hơi nổi cao, sờ tay thì vướng giống như hạt vừng, nên gọi là ma chẩn.
Nguyên nhân do bệnh độc nhập kinh phế, phế chủ bì mao nên có những lớp ban trên, độ trên dưới 10 ngày thì khỏi. Nếu cơ thể bị yếu, nhiệt thịnh bế ở trong, nhiệt tà quá mạnh, các nốt ban không mọc, bệnh tà không ra khỏi dễ gây biến chứng: Sưng phổi, tiêu chảy…
Bệnh tiến triển theo 3 giai đoạn: Thời kỳ phát sốt, thời kỳ sởi mọc, thời kỳ sởi bay.
Thời kỳ phát sốt (sởi chưa mọc)
Bệnh khởi đầu bằng sốt 3 - 4 ngày đến khi sởi mọc. Các triệu chứng giống thời kỳ viêm long và khởi phát các bệnh truyền nhiễm khác, cần chú ý đến dịch tễ học, xem kỹ ở vùng tai, gáy, cổ, lưng có một vài điểm ban đỏ.
- Triệu chứng: Bắt đầu người nóng, ho, chảy nước mũi, nước mắt, mệt mỏi, sốt cao dần, rêu lưỡi trắng hoặc hơi vàng, niêm mạc miệng có ban chẩn.
- Pháp điều trị: Tuyên thấu giải độc (giải cơ thấu biểu, tân lương giải biểu) để đưa tà ra ngoài da làm mọc nhanh các nốt ban sởi).
- Phương huyệt châm cứu: Đại chuỳ, Hợp cốc, Túc tam lý, Phế du, Phong môn.
- Phương thuốc:
+ Bài 1: Diếp cá 16g, rau rệu 16g, cam thảo đất 12g. Sắc, uống ngày 1 thang chia 3 lần.
+ Bài 2 - Thanh nhiệt giải biểu thang gia giảm: Phù bình 12g, ngưu bàng tử 8g, liên kiều 8g, cát căn 8g, thăng ma 8g, thiền thoái 4g, đậu xị 12g. Nếu sốt cao gia kim ngân hoa 12g, hoàng cầm 12g. Sắc uống ngày 1 thang chia 3 lần.
+ Bài 3 - Thăng ma cát căn thang: Thăng ma 4g, cát căn 12g, xích thược 6g, cam thảo 2g. Sắc uống ngày 1 thang chia 3 lần.
+ Bài 4 - Cát căn giải cơ thang: Cát căn 12g, liên kiều 8g, thiền thoái 6g, xích thược 6g, bối mẫu 4g, kinh giới 6g, đăng tâm 2g, tiền hồ 4g, ngưu bàng tử 6g, mộc thông 6g, tang bạch bì 4g, cam thảo 2g. Nếu khó thở gia ma hoàng 6g; chảy máu cam gia trúc nhự 6g; táo bón gia vừng đen 8g; sốt cao gia hoàng liên 8g, hoàng cầm; tiêu chảy gia phục linh 8g, trạch tả 8g; tiểu ít gia sa tiền tử 10g. Sắc uống ngày 1 thang chia 3 lần.
Dùng nước mùi già tắm giúp sởi lên đều.
+ Thuốc tắm (làm sởi lên đều): Hạt mùi hoặc mùi già đun lên, lọc lấy nước tắm. Pha nước tắm ở nhiệt độ vừa phải (khoảng 3- 40 độ C) và cố gắng duy trì nhiệt độ nước tắm như ban đầu trong suốt quá trình tắm. Đảm bảo phòng tắm kín gió, không có gió lùa.
Lưu ý, không tắm quá lâu, sau khi tắm xong, nhẹ nhàng lau khô bằng khăn mềm rồi mặc quần áo rộng rãi, thoáng mát. Nếu sốt cao thì lấy nước tắm ấm để lau người.
Mục đích của việc tắm Sởi lên đều là sẽ làm nhẹ bệnh hết sốt và không bị sởi chạy hậu vào trong. Sau khi Sởi lên đều giảm sốt sẽ tắm triệt nọc sởi.
Thời kỳ sởi mọc
Bắt đầu xuất hiện nốt ban sởi đến khi mọc dây toàn thân (khoảng 3-4 ngày).
- Triệu chứng: Sởi mọc tuần tự từ đầu mặt, thân mình, tay chân, lòng bàn tay chân, mọc càng ngày càng dầy; sốt cao, ho nhiều, đại tiện nhão, rêu lưỡi vàng, chất lưỡi đỏ, mạch sác.
- Pháp điều trị: Thanh nhiệt giải độc.
- Phương huyệt châm cứu: Đại chuỳ, Hợp cốc, Túc tam lý, Phế du, Xích trạch, Nội đình. Nếu họng đau, gia Thiếu thương; co giật gia Nhân trung.
- Bài thuốc:
+ Bài 1: Trúc diệp 20g, sài đất 16g, mạch môn 12g, kim ngân hoa 16g, sa sâm 12g, cát căn 12g, cam thảo đất 12g. Sắc uống ngày 1 thang chia 3 lần.
+ Bài 2 - Thăng ma cát căn thang: Thăng ma 4g, cát căn 12g, xích thược 6g, cam thảo 2g, tô diệp 8g, xuyên khung 8g, ngưu bàng tử 6g. Sắc uống ngày 1 thang chia 3 lần.
+ Bài 3 - Hóa độc thanh biểu thang (nếu sốt cao): Tiền hồ 4g, tri mẫu 8g, cát cánh 6g, mộc thông 6g, hoàng liên 4g, cát căn 12g, liên kiều 12g, ngưu bàng tử 8g, huyền sâm 8g, chi tử 4g, địa cốt bì 8g, hoàng cầm 6g, thiên hoa phấn 8g, cam thảo 6g, phòng phong 4g, bạc hà 4g, tang diệp 8g, đăng tâm 3g. Sắc uống ngày 1 thang chia 3 lần.
+ Bài 4 - Ma hạnh thạch cam thang (nếu biến chứng viêm phổi): Ma hoàng 4g, hạnh nhân 6g, thạch cao 20g, cam thảo 2g. Sắc uống ngày 1 thang chia 3 lần.
+ Bài 5 - Hóa ban thang (nếu sốt cao, li bì, mê sảng): Sừng trâu 8g, tri mẫu 8g, huyền sâm 12g, Cam thảo 4g, gạo tẻ 12g. Sắc uống ngày 1 thang chia 3 lần.
+ Bài 6 - Thanh nhiệt đạo trệ thang (nếu kèm theo tiêu chảy): Hoàng liên sao 2g, hoàng cầm sao 2g, binh lang sao 4g, thanh bì 2g, hậu phác sao 2g, cam thảo 2g, liên kiều 3g, ngưu bàng tử 3g, sơn tra 8g, đăng tâm 6g, đương quy 2g. Sắc uống ngày 1 thang chia 3 lần.
- Thuốc tắm (các vị thuốc có tác dụng sát khuẩn, thanh nhiệt, tiêm viêm để triệt nọc sởi): Trà xanh, lá bưởi, vỏ bưởi, mướp đắng, vỏ chanh, sài đất, kim ngân đằng, tía tô, kinh giới, tràm gió… Đun các vị thuốc (tùy vào điều kiện có thể tìm được loại dược liệu nào), lọc lấy nước và tắm đúng cách như đã hướng dẫn tắm bằng hạt mùi hoặc cành lá mùi già.
Thời kỳ sởi bay
Thời kỳ này khoảng 3 – 4 ngày, sốt giảm còn triều nhiệt (tân dịch giảm do sốt kéo dài), ho, miệng khô, lưỡi đỏ rêu ít.
- Pháp điều trị: Dưỡng âm thanh nhiệt.
- Phương thuốc:
+ Bài 1: Sa sâm 120g, hoài sơn 60g, cam thảo 80g, đậu đỏ 120g, mạch môn 80g, hoàng tinh 80g, lá dâu non 120g, hạt sen 120g. Tán bột, ngày uống 30g, chia 3 lần.
+ Bài 2 – Ngân hồ mạch đông thang: Ngân sài hồ 8g, sa sâm 12g, huyền sâm 8g, long đởm thảo 12g, mạch môn 6g, cam thảo 4g, đăng tâm 2g, đảng sâm 6g. Sắc uống ngày 1 thang chia 3 lần.
+ Bài 3 – Tả bạch tán phối hợp sa sâm mạch đông thang: Hoàng cầm 12g, địa cốt bì 12g, tang bạch bì 8g, mạch môn 8g, sa sâm 8g, lô căn 8g. Sắc uống ngày 1 thang chia 3 lần.
+ Thuốc tắm: Vẫn có thể dùng các bài thuốc tắm như thời kỳ sởi mọc để làm sạch da, mau lành các tổn thương.