Đối với các doanh nghiệp chế tạo, sản xuất xe điện, GS. Bùi Văn Ga lưu ý, việc chế tạo, sản xuất xe điện không quá phức tạp như xe sử dụng động cơ đốt trong. Rất nhiều hãng có thể sản xuất được vì có sẵn module, chỉ cần mua về lắp, cân chỉnh, thiết kế cho đẹp.
Do đó, với những doanh nghiệp đi sớm đón đầu xu hướng, tích lũy kinh nghiệm là việc tốt nhưng cần chú trọng tới việc nghiên cứu và phát triển (R&D) để tập trung vào một bí quyết nào đó như về pin, hay lái tự động… có bí quyết, có độc quyền thì mới có thể đứng vững và cạnh tranh được.
Tại Hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học cũng tập trung thảo luận về: Di chuyển thông minh; xe điện và xe lai; kết nối xe và công nghệ trí tuệ nhân tạo; hạ tầng trạm sạc và tích hợp với lưới điện; những công nghệ tiên tiến trên xe điện...
Các ý kiến đều cho rằng, bên cạnh sự nỗ lực nhằm hoàn thiện những chính sách thúc đẩy, thay đổi nhận thức người dùng, cũng như cải tiến, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong trường đại học cần được chú trọng hơn để đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động ngành công nghiệp ô tô thời đại 4.0.
Theo Quyết định 876/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí metan của ngành giao thông vận tải:
Với đường bộ, giai đoạn 2031-2050, năm 2040, Việt Nam sẽ từng bước hạn chế, tiến tới dừng sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ô tô, mô tô, xe gắn máy sử dụng nhiên liệu hoá thạch để sử dụng trong nước.
Đến năm 2050, 100% phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, xe và máy thi công tham gia giao thông chuyển đổi sang sử dụng điện, năng lượng xanh.
Về vận tải công công, từ năm 2030, tỉ lệ phương tiện sử dụng điện, năng lượng xanh đạt tối thiểu 50%; 100% xe taxi thay thế, đầu tư mới sử dụng điện, năng lượng xanh. Đến năm 2050, 100% xe buýt, xe taxi sử dụng điện, năng lượng xanh...