Trong những năm qua, việc đưa hoa văn, họa tiết truyền thống và hình ảnh di sản văn hóa lên tà áo dài đã trở thành trào lưu trong giới thiết kế thời trang. Không chỉ vậy, áo dài cũng là nguồn cảm hứng sáng tạo bất tận đối với thơ ca - nhạc - họa và đặc biệt là điện ảnh.
Thời gian gần đây, thời trang áo dài được xem như một lĩnh vực đặc biệt thuộc về các ngành công nghiệp văn hóa. Việc kết hợp áo dài với các ngành nghề khác như mỹ thuật, đồ họa, nghệ thuật biểu diễn, thiết kế sáng tạo, du lịch… đã khiến áo dài trở thành phương tiện chuyển tải hoàn hảo để quảng bá văn hóa dân tộc.
Trong các hình ảnh của tour du lịch Huế, Hội An (Quảng Nam) hình ảnh áo dài được khai thác một cách tối đa. Đặc biệt, nhiều du khách nước ngoài cũng mua cho mình một bộ áo dài phù hợp và diện trong suốt hành trình khám phá đất nước Việt Nam.
Họ tự chụp, check in hình ảnh áo dài và đưa lên mạng xã hội. Theo cách nào đó, hình ảnh áo dài cứ thế lan tỏa đến với bạn bè khắp thế giới. Nếu như trước kia, thế giới đã quen với hình ảnh của Hán phục, Hàn phục, Hòa phục (Nhật phục) thì nay Việt phục chính là tà áo dài thướt tha.
Điều đặc biệt nhất, áo dài không chỉ là niềm kiêu hãnh của người Việt, mà trên tà áo dài - những di sản văn hóa như Hoàng thành Thăng Long, Hoàng thành Huế, chùa Một Cột, hồ Hoàn Kiếm hay hình ảnh “cây đa, bến nước, sân đình” được in lên như thêm một biểu tượng của văn hóa truyền thống hiển hiện trong nét thời trang đương đại.
Nghệ nhân Ưu tú - nhà thiết kế Lan Hương được biết đến là một trong những người khai thác mạnh mẽ nhất về hình ảnh văn hóa trên tà áo dài. Từ những năm 2016, chị đã đưa hình ảnh cổng làng và tranh Đông Hồ lên bộ sưu tập để trình diễn tại Festival Áo dài Hà Nội.
Từ đó đến nay, nhiều hình ảnh di sản đặc sắc của Việt Nam được chị tích hợp trong các bộ sưu tập, nhằm quảng bá hình ảnh đất nước.
“Nhìn áo dài, người nước ngoài nhận biết ngay đó là bản sắc của Việt Nam. Khi hình ảnh các di sản được chọn lọc và đưa lên tà áo dài, vẻ đẹp không chỉ tăng lên mà khách quốc tế cũng thêm một hiểu biết về di sản của đất nước.
Ngày nay, với sự lan tỏa mạnh mẽ của mạng xã hội, việc tà áo dài mang hồn cốt di sản không chỉ định hình được văn hóa, mà còn thúc đẩy công cuộc phát triển ngành công nghiệp văn hóa”, nhà thiết kế Lan Hương cho hay.
Nhằm khẳng định giá trị, vị trí của áo dài trong dòng chảy văn hóa, trong năm 2023 tỉnh Thừa Thiên Huế đã hiện thực hóa các nội dung trong Đề án “Huế - Kinh đô Áo dài”. Dự kiến đến năm 2025, tỉnh này sẽ hình thành bộ cơ sở dữ liệu, hình ảnh áo dài Huế qua các thời kỳ. Đến năm 2030, sẽ hình thành bảo tàng, trung tâm trưng bày, trình diễn, may đo áo dài Huế, ban hành chính sách hỗ trợ phát triển áo dài. Đặc biệt, hoàn thiện hồ sơ “Nghề may đo áo dài và tập quán sử dụng áo dài truyền thống Huế” đệ trình UNESCO xem xét, ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.