Giáo viên giới thiệu một số nghề nghiệp để học sinh tìm hiểu, lựa chọn theo nhu cầu. |
Tại huyện Đăk Hà (tỉnh Kon Tum), năm học 2021-2022 địa phương có 1.407 học sinh tốt nghiệp THCS. Trong đó có 565 học sinh với tỷ lệ 40,15% tiếp tục theo học tại các trường THPT. Bên cạnh đó, 168 em với tỷ lệ 11,94% vào học trường phổ thông dân tộc nội trú. Ngoài ra, có 93 em vào học hệ giáo dục thường xuyên cấp THPT, 62 học sinh học ở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ trung cấp. Riêng 243 học sinh với tỷ lệ 17,27% học nghề dưới 3 tháng.
Theo UBND huyện Đăk Hà, trong năm 2022 (tính đến ngày 20/9/2022) địa phương đã triển khai các giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục cho học sinh lớp 9, đặc biệt là các em người dân tộc thiểu số. Công tác phân luồng giúp cho thanh thiếu niên chọn nghề một cách có cơ sở, giúp học sinh có được nhận thức đúng đắn hơn về nghề nghiệp. Từ đó phát huy tối đa năng lực sáng tạo, nâng cao chất lượng cuộc sống, phù hợp với nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường. Đồng thời đáp ứng được nhu cầu của xã hội, tránh lãng phí về đào tạo và sử dụng lao động hợp lý. Góp phần vào việc phát triển kinh tế, xã hội bền vững của địa phương.
Bà Phạm Thị Thương, Phó Chủ tịch UBND huyện Đăk Hà cho hay, đời sống của phần lớn người đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã vùng sâu, vùng xa còn khó khăn. Bên cạnh đó trình độ dân trí chưa đồng đều, nhận thức về giáo dục nghề nghiệp có sự chuyển biến nhưng chưa cao, đa phần các em tham gia học nghề dưới 3 tháng. Không những thế sự hiểu biết, đòi hỏi về nghề nghiệp và sự đáp ứng yêu cầu của bản thân đối với nghề còn hạn chế. Một bộ phận học sinh, phụ huynh còn mang nặng tư tưởng làm việc theo nhóm ở cùng nơi cư trú, làm công việc như nhau và chưa mạnh dạn đi học, lao động xa nhà…Đặc biệt, nhu cầu sử dụng nhân lực của các doanh nghiệp trên địa bàn huyện còn hạn chế. Ngoài ra phong trào khởi nghiệp chưa phát triển nhiều nên cũng ảnh hưởng không nhỏ đến công tác hướng nghiệp.
Cũng theo bà Thương, cơ sở vật chất, thiết bị phục vụ cho giáo dục hướng nghiệp còn thiếu, việc bố trí thời khóa biểu cho hoạt động này gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra kinh phí cho hoạt động giáo dục hướng nghiệp, nhất là hoạt động trải nghiệm thực tế, tham quan và cách tính định mức giờ cho giáo viên gặp khó.
“Nhiều học sinh, phụ huynh thiếu kiến thức để hiểu về các ngành nghề. Chính vì vậy việc lựa chọn cho mình một nghề nghiệp sau khi tốt nghiệp phổ thông còn chưa rõ ràng. Không những vậy vẫn còn tâm lý theo bạn bè, muốn học lên Đại học trong khi không xét đến tính thực tế như: hoàn cảnh gia đình, học lực, sức khỏe... Ngoài ra, một số ít em cũng xác định sau khi tốt nghiệp phổ thông sẽ tham gia học nghề nhưng chưa xác định được nghề muốn học và việc làm khi học xong”, bà Thương nói.