Đào tạo người lao động có trình độ đã khó, giữ họ gắn bó lâu dài với doanh nghiệp cũng là việc không dễ. Trong ngành kỹ thuật, không thiếu trường hợp các doanh nghiệp lớn, những doanh nghiệp đối thủ có thể "hút máu" nhân lực của nhau thông qua việc sử dụng mức lương và phúc lợi hấp dẫn hơn. Đây cũng là một bài toán nan giải khác với các nhà máy của chúng tôi", Trưởng bộ phận tuyển dụng của MBT chia sẻ với người viết.
Lý giải về tình trạng thiếu hụt nguồn lao động chất lượng cao tại các doanh nghiệp sản xuất, TS. Phạm Xuân Khánh, Hiệu trưởng trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội (HHT) cho rằng, hàng năm các trường đại học đều tăng quy mô 30.000 sinh viên/năm, ngược lại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp quy mô ngày càng nhỏ dần.
Điều này dẫn đến tình trạng không cân đối về cơ cấu trình độ năng lực lao động, không cân đối được cơ cấu ngành nghề. Nhiều doanh nghiệp rơi vào tình trạng kỹ sư nhiều hơn công nhân, đây là thực trạng cơ cấu lao động của Việt Nam.
"Đối với các doanh nghiệp sản xuất, có một thực tế là nhu cầu của họ rất cần số đông lao động trực tiếp hệ cao đẳng/trung cấp, còn hệ đại học thì chỉ cần vài kỹ sư hay cử nhân. Đơn cử như trường HHT của chúng tôi, có những doanh nghiệp 70 - 80% nhân sự đều là sinh viên của trường.
Không chỉ doanh nghiệp trong nước, các doanh nghiệp FDI đầu tư vào Việt Nam cũng muốn sở hữu nguồn lao động chất lượng cao.
Vừa qua, chúng tôi đã ký hợp đồng cung cấp 14.000 lao động cho Tập đoàn Inventec (Đài Loan) và Tập đoàn Onaga (Nhật Bản) làm dự án tại KCN hỗ trợ Nam Hà Nội", theo TS. Phạm Xuân Khánh.
Trở lại với Công ty An Mi, doanh nghiệp đã có chương trình gửi người lao động đến các cơ sở giáo dục để đào tạo, nhưng chưa thể gọi là chính thống, và không phải lúc nào cũng tổ chức được bởi các chương trình này phụ thuộc vào sự sắp xếp của nhà trường.
"Chúng tôi cũng để ý đến việc triển khai đặt hàng nguồn lao động với các trường trên địa bàn gần trụ sở công ty, chẳng hạn như Trường Đại học Sư phạm Hưng Yên.
Tuy nhiên, về bản chất đây vẫn là những chương trình hợp tác đơn lẻ và chưa chính thống. Thực tế mô hình đặt hàng nguồn lao động ở Việt Nam theo tôi được biết vẫn chưa phổ biến", Tổng Giám đốc Nguyễn Hồng Phong chia sẻ.
Tại buổi làm việc với trường HHT mới đây, ông Phong đã bày tỏ mong muốn xúc tiến đặt hàng nhân sự một cách liên tục với cơ sở này. Với đặc thù gia công cắt gọt, phần lớn các ngành học của trường đều đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp.
Về phía Công ty MBT, Phó Tổng Giám đốc Đoàn Hữu Lý cho biết, doanh nghiệp cũng sẽ phối hợp với một số trường để đưa các tân sinh viên đến thực tập tại doanh nghiệp, đi kèm với đó là những chính sách hỗ trợ để sau khi sinh viên và học sinh ra trường sẽ đến lao động tại nhà máy.