Doanh nghiệp vẫn tự túc 'rèn' chuyên môn?

Ngọc Trang | 24/10/2022, 07:06
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Đào tạo nghề ở khu công nghiệp được nhận định là còn dàn trải, nhiều doanh nghiệp tại các KCN vẫn tuyển dụng lao động chưa qua đào tạo.

Nhiều lao động không nắm rõ quy trình sản xuất

Ông Nguyễn Tiến Dũng, Trường Cao đẳng nghề Việt Nam - Hàn Quốc Hà Nội cho rằng, thanh niên Việt Nam là lực lượng xã hội to lớn. Để tham gia vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế, thanh niên cần phải được đào tạo học vấn và chuyên môn kỹ thuật, kỹ năng sống, chăm sóc sức khỏe để phát triển toàn diện cũng như cần được tạo môi trường thuận lợi và các cơ hội để tiếp cận với việc làm ổn định phù hợp.

Việt Nam ở thời kỳ “cơ cấu dân số vàng” với tỷ lệ thanh thiếu niên cao nhất trong lịch sử khi nhóm dân số từ 10 - 29 tuổi chiếm khoảng 33% dân số và dự kiến thời kỳ này sẽ kéo dài cho đến năm 2040. Đây là cơ hội lớn để Việt Nam có thể phát triển kinh tế - xã hội và phát huy tối đa tiềm lực của đất nước bằng đẩy mạnh vai trò của lực lượng thanh niên.

Qua thời gian phối hợp đào tạo với hình thức đưa sinh viên đi học tập, tham quan, thực tập trải nghiệm, thực tập sản xuất, tổ chức thi đánh giá và đào tạo lao động cho các công ty, ông Nguyễn Tiến Dũng cho rằng, số lượng tuyển dụng công nhân của các khu công nghiệp rất lớn. Tuy nhiên, nhu cầu tuyển dụng công nhân có trình độ kỹ năng nghề cao thì không nhiều mà chủ yếu chiếm số lượng lớn là sử dụng lao động phổ thông.

Đây cũng là một tất yếu khi các công ty chủ yếu sản xuất theo dây chuyền, mỗi lao động chỉ tham gia từ 1 - 2 kỹ năng đơn giản. Chính vì vậy hiện nay rất phổ biến hình thức các công ty tự đào tạo cho công nhân tuyển mới với thời lượng từ 2 đến 12 ngày. Riêng các kỹ năng về an toàn lao động, vệ sinh công nghiệp thì không nhiều công ty liên kết với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tổ chức đào tạo. Đặc biệt là các kỹ năng mang tính giản đơn như trên.

Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thường chỉ tham gia đào tạo ngắn hạn sơ cấp và dưới 3 tháng cho thanh niên nói riêng và người lao động trong các khu công nghiệp nói chung. Hình thức đào tạo nghề này cho các đối tượng hưởng bảo hiểm thất nghiệp có nhu cầu chuyển đổi nghề nghiệp.

Thanh niên làm việc trong các khu công nghiệp chủ yếu chỉ làm một khâu trong quá trình sản xuất hoặc các kỹ năng giản đơn. Chính vì vậy nhiều lao động trong các khu công nghiệp không nắm được toàn bộ trong quá trình sản xuất một sản phẩm.

Doanh nghiệp thiếu thời gian đào tạo lao động

ThS Trần Đình Long, Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề Lý Tự Trọng (Hà Tĩnh) cho biết, công tác đào tạo nghề trong khu công nghiệp đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, phần lớn các doanh nghiệp tại các khu công nghiệp vẫn đang tuyển dụng lao động phổ thông nằm trong độ tuổi thanh niên chưa qua đào tạo.

Do đó thanh niên trong độ tuổi lao động chưa được trang bị tốt tâm lý, ý thức về công tác an toàn lao động chưa cao, trình độ tay nghề chưa đạt. Vì thế, việc thích nghi với tác phong công nghiệp trong các doanh nghiệp và dây chuyền vận hành hạn chế, ảnh hưởng đến hiệu quả công việc, kết quả sản xuất, kinh doanh. Điều này dẫn đến việc lao động liên tục bị sa thải, chủ yếu là đối tượng thanh niên. Doanh nghiệp tiếp nhận lao động liên tục tuyển dụng để lấp đầy khoảng trống nên không có thời gian đào tạo bài bản.

“Rất nhiều lao động thanh niên sau khi được doanh nghiệp tiếp nhận vào làm việc một thời gian ngắn đã xin nghỉ việc hoặc tự ý nghỉ việc mà không quan tâm đến ràng buộc hợp đồng lao động. Họ chưa nhận thức việc vi phạm pháp luật khi phá vỡ hợp đồng, ảnh hưởng đến hệ thống dây chuyền sản xuất trong các doanh nghiệp. Chất lượng lao động thấp không chỉ ảnh hưởng đến hiệu suất sản xuất mà còn ảnh hưởng rất lớn đến hệ thống thiết bị do việc vận hành bị lỗi trong dây chuyển sản xuất”, ông Long cho hay.

Ông Long cho rằng, cần làm tốt công tác truyền thông, tư vấn, hướng nghiệp trong đối tượng thanh niên về các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề. Đặc biệt chính sách hỗ trợ đào tạo nghề ngắn hạn cho thanh niên trong các khu công nghiệp.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp có quy mô từ 1 nghìn lao động trở lên cần thành lập trung tâm đào tạo nghề. Trước khi tuyển dụng phải yêu cầu lao động có chứng chỉ đào tạo nghề ngắn hạn.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Tiến Dũng khuyến nghị, Nhà nước cần có chính sách, chế tài đối với các doanh nghiệp tại các khu công nghiệp. Nhất là trong việc sử dụng lao động qua đào tạo hoặc qua các khóa đào tạo ngắn hạn về các kỹ năng nghề thông qua các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Gắn trách nhiệm của các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp với hệ thống giáo dục nghề nghiệp trong các lĩnh vực. Đồng thời trao đổi công nghệ, thăm quan, học tập, thực tập, đào tạo kỹ năng mềm, chia sẻ các kiến thức về vệ sinh an toàn lao động, thực hiện 5S…

Ông Dũng cho rằng, cần thực hiện tốt công tác phân luồng đào tạo sau THCS. Bên cạnh đó, rà soát, quy hoạch và cơ cấu lại các ngành nghề theo từng địa phương đảm bảo học sinh, sinh viên tốt nghiệp ra trường đúng theo nhu cầu sử dụng của các doanh nghiệp trên địa bàn.

Để thực hiện tốt điều này các cơ quan chức năng cần phối hợp nghiên cứu, khảo sát để có các số liệu, thông tin chính xác về nhu cầu sử dụng lao động cũng như thông tin về các sàn giao dịch việc làm…

Ngoài ra, Nhà nước tiếp tục có các chính sách tạo điều kiện, khuyến khích cho học sinh được học tập, hướng nghiệp và có việc làm ngay sau khi học xong chương trình trung cấp. Tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền về công tác giáo dục nghề nghiệp. Thực hiện huy động các nguồn lực từ Trung ương đến địa phương, các doanh nghiệp nhằm hỗ trợ, tăng cường cơ sở vật chất các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đáp ứng sự thay đổi của công nghệ trong các doanh nghiệp tại các khu công nghiệp.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Doanh nghiệp vẫn tự túc 'rèn' chuyên môn?