Vào thời điểm thu hoạch chính vụ công tác thu mua lúa gạo gặp rất nhiều khó khăn do ngân hàng không thể chủ động mở thêm hạn mức tín dụng theo thời điểm cho các thương nhân xuất khẩu gạo. Bên cạnh đó, với đặc thù sử dụng đòn bẩy tài chính lớn, việc duy trì mức dự trữ lưu thông 5% theo quy định của Nghị định 107 cũng gây áp lực khá lớn lên các thương nhân xuất khẩu gạo.
Không chỉ các doanh nghiệp lúa gạo, các doanh nghiệp thủy sản, gỗ đang rơi vào cảnh “khô máu” khi thiếu nguồn vốn hoạt động. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp phải tìm đến tín dụng đen, vay tài chính với lãi suất cao để tồn tại.
Ông Lê Văn Quang, Tổng Giám đốc Tập đoàn Thủy sản Minh Phú cho biết, hiện các nhà máy chế biến của doanh nghiệp rất khó khăn. Sản phẩm vừa không có đầu ra, vừa bị tắc dòng tiền, không có tiền trả nợ đến hạn nên buộc giảm giá đẩy hàng. Có doanh nghiệp giảm giá đến 50% nhưng càng giảm nhà nhập khẩu càng sợ vì không biết giá đã xuống đáy hay chưa.
Vừa qua, Thủ tướng chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước xây dựng gói tín dụng 10.000 tỷ đồng cho các doanh nghiệp thủy sản vay. Nhưng đến nay, doanh nghiệp chưa thể tiếp cận được, chưa nói đến việc người nuôi tôm và sản xuất tôm giống càng thấy xa vời.
Ngay cả doanh nghiệp số 1 ngành tôm hiện khó tiếp cận vốn vay từ ngân hàng
"Ngành nuôi tôm của Việt Nam quá rủi ro, tỉ lệ thành công thấp nên ngân hàng không dám cho vay. Ngay cả vùng nuôi của Minh Phú, tập đoàn bảo lãnh ngân hàng cũng không vay được. Người nuôi tôm đang điêu đứng vì không có đầu ra”, ông Quang chia sẻ.
Ông Tô Đăng Trung, Giám đốc Công ty TNHH Cung Việt (Bình Dương) cho biết, hiện các doanh nghiệp gỗ rất khó để tiếp cận vốn vay từ ngân hàng. Dù Ngân hàng Nhà nước liên tục thông báo các chính sách giảm lãi suất, hỗ trợ các doanh nghiệp, nhưng trên thực tế doanh nghiệp vay phải cần nhiều điều kiện, thủ tục chồng chéo, nhiêu khê.
Do đó, Công ty TNHH Cung Việt đã chọn vay bằng thuê mua tài chính, thay vì vay ngân hàng dù phải chịu lãi suất cao hơn. Chẳng hạn, khi cần đầu tư một gói máy móc khoảng 10 tỷ đồng, hình thức thuê mua tài chính sẽ cho vay 70% và thế chấp ngay bằng chiếc máy đó. Tuy nhiên, với ngân hàng thì không có, muốn vay doanh nghiệp phải thế chấp bằng nhà đất.
Điều đáng nói, khi ngành gỗ ở thời kỳ hưng thịnh, các thủ tục vay vốn tại ngân hàng dễ dàng hơn nhiều, doanh nghiệp có thể thế chấp để vay bằng chính đơn hàng của mình. Nhưng khi doanh nghiệp rơi vào khó khăn, phía ngân hàng lại hành xử khác.