Doanh nghiệp xuất khẩu cần làm gì để tránh bẫy lừa đảo?

06/08/2023, 15:10
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Liên quan đến vụ việc 5 lô hàng nông sản nghi bị lừa đảo ở Dubai - UAE, đến nay, Đại sứ quán Việt Nam và cơ quan Thương vụ Việt Nam tại UAE cùng với cơ quan chức năng Dubai đã tích cực vào cuộc để sớm đảm bảo quyền lợi của doanh nghiệp xuất khẩu (XK) Việt Nam. Tuy nhiên, qua vụ việc này cho thấy doanh nghiệp (DN) Việt cần đặc biệt thận trọng trong giao thương quốc tế, đặc biệt trong thanh toán.

Về lý thuyết, đây là hình thức thanh toán có độ tin cậy khá cao. Thông qua các ngân hàng tại Việt Nam và ngân hàng đối tác có đủ tin cậy, ta có thể thu lại tiền khi xuất khẩu. Tuy nhiên trong trường hợp 5 lô hàng XK sang Dubai thì khi ngân hàng Việt Nam chuyển bộ chứng từ sang cho nước ngoài thì bị thất lạc và lọt vào tay người mua, trong khi người mua chưa thanh toán cho phía ngân hàng tại Dubai. Đây là điểm mấu chốt dẫn đến người mua đã nhận được 4 lô hàng, còn 1 lô hàng đang giữ ở cảng thì họ chưa lấy được. Hiện nay, phía ngân hàng người mua cũng đang trong quá trình rà soát để tìm hiểu xem tại sao lại có tình trạng chưa thanh toán tiền mà bộ chứng từ lại lọt vào tay người mua.

Cũng theo ông Trần Thanh Hải, một điểm chung trong vụ 76 container hạt điều ở Italia năm ngoái và 5 container hồ tiêu, hạt điều, quế, hồi ở UAE năm nay là việc công ty chuyển phát chứng từ giao bộ chứng từ cho người không có thẩm quyền tại ngân hàng người mua. "Đây là "lỗ hổng" của quy trình tưởng như rất chặt chẽ, dẫn đến bộ chứng từ bị lọt ra ngoài, vào tay người mua trong khi người mua chưa thanh toán cho ngân hàng. Nếu điều này là đúng thì công ty chuyển phát phải chịu trách nhiệm về việc để thất lạc chứng từ của khách hàng, dẫn đến tình huống như đã xảy ra - người mua nhận hàng mà không thanh toán", ông Trần Thanh Hải cho hay.

Để giảm thiểu rủi ro cho DN, ông Trần Thanh Hải cho rằng, một trong những phương thức giúp giảm thiểu rủi ro cho DN xuất khẩu là sử dụng các DN dịch vụ logistics như một "van an toàn". Khi đó, công ty logistics A của Việt Nam sẽ gửi hàng đến công ty logistics B ở nước nhập khẩu (là đối tác tin cậy, đã được kiểm chứng bởi công ty A) với tên của công ty B này là người nhận hàng. Sau khi nhận hàng, công ty B sẽ giao hàng cho người mua. Nếu vì lý do gì đó, người mua hoặc một bên thứ ba có trong tay bộ chứng từ thì họ cũng không thể nhận được hàng vì thông tin không phù hợp với tên người nhận hàng trên chứng từ.

Cùng với đó, DN nên mua thông tin từ các công ty tư vấn DN, công ty đánh giá tín nhiệm để xác minh thông tin người mua hiệu quả. Ví dụ, một công ty được lập ra gần đây, hoặc lập ra đã lâu mà mức độ đóng thuế rất ít, nay lại đặt mua hàng với số lượng lớn thì đó là điều bất thường. Đặc biệt, để giảm rủi ro trong kinh doanh xuất nhập khẩu, DN nên sử dụng dịch vụ tư vấn, dịch vụ pháp lý để trợ giúp xem xét các hợp đồng, đảm bảo điều khoản trong đó là tin cậy nhất, không đem lại bất lợi. Hoặc khi tranh chấp xảy ra, luật sư thay mặt cho DN giải quyết tranh chấp thì vụ việc có thể giải quyết tốt hơn.

Đặc biệt, DN cần hạn chế sử dụng phương thức thanh toán chuyển tiền bằng điện T/T (Telegraphic Transfer) trả sau hay cầm cố séc (séc không có giá trị vì trong tài khoản không có tiền). Đây là các hình thức thanh toán rất rủi ro vì người mua nhận hàng rồi không thanh toán tiền, hoặc người mua không nhận hàng sẽ phát sinh chi phí kéo hàng về. Nếu là mặt hàng tươi sống thì DN sẽ phải chịu thêm nhiều chi phí hơn.

Theo ([Tên nguồn])
https://www.24h.com.vn/kinh-doanh/doanh-nghiep-xuat-khau-can-lam-gi-de-tranh-bay-lua-dao-c161a1490278.html
Copy Link
https://www.24h.com.vn/kinh-doanh/doanh-nghiep-xuat-khau-can-lam-gi-de-tranh-bay-lua-dao-c161a1490278.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Doanh nghiệp xuất khẩu cần làm gì để tránh bẫy lừa đảo?