Trong chùa có 113 pho tượng cổ, chủ yếu là tượng gỗ, trong đó có 7 tượng đồng. Có nhiều tượng có giá trị như: Tượng Phật A-di-đà, Phật Thích-ca, Di-lặc Bồ-tát; Thế Chí Bồ-tát, Quan Thế Âm Bồ-tát, Địa Tạng Vương Bồ-tát, bộ tượng Cửu Long (đúc bằng đồng), bộ tượng mười tám vị La-hán, tượng Thập điện Diêm vương, tượng Tổ sư Đạt-ma, tượng Long Vương...
Bộ tượng năm vị của chùa Giác Lâm được xem là bộ tượng đặc biệt nhất, được tạc bằng gỗ mít nài, thếp vàng, cao 80cm.
Tượng Thích-ca đặt giữa, ngồi trên tòa sen, cao hơn các tượng khác. Bố cục hình thang nên thế ngồi vững chãi. Bốn tượng còn lại mỗi tượng đều ngồi lên lưng một con linh vật.
Bộ tượng năm vị xuất hiện ở Nam Bộ trong giai đoạn đầu thế kỷ XIX, tức giai đoạn mở đầu triều đại nhà Nguyễn.
Bộ tượng có năm vị gồm: Phật Thích-ca Mâu-ni, các Bồ-tát Quan Thế Âm, Đại Thế Chí, Văn-thù-sư-lợi và Phổ Hiền đều được đặt ngay chính điện
Theo những người hộ tự, các tượng này đều được thếp vàng thật. Chính vì thế, các sư thầy chùa Giác Lâm giữ nguyên hiện trạng, không tác động đến cấu trúc tượng mặc dù theo thời gian, lớp thếp vàng bên ngoài đã dần phai mờ.
"Có thể thấy rõ sự khác biệt giữa gỗ bao lam thếp vàng bên trái và sơn nhũ vàng trên bao lam bên phải. Các hoạ tiết điêu khắc sau này đều được sơn nhũ vàng chứ không được thếp vàng thật như ngày trước" - một người hộ tự giải thích.
Lớp vàng trên phần chữ của câu đối đã phai mờ theo thời gian. Chùa có tổng cộng 86 câu đối.
Các hoạ tiết trang trí ở bao lam giữ nguyên bản, nhiều vị trí vẫn ánh sáng vàng khi ánh nắng chiếu rọi. Chùa có 9 bao lam, 19 bức hoành phi.
Tượng Thích Ca đặt giữa điện thờ, ngồi trên tòa sen làm bệ đỡ rực ánh vàng. Tượng Phật Thích Ca gần như nguyên vẹn các lớp thếp vàng.
Dưới thời Thiền sư Viên Quang, chùa Giác Lâm trở thành trung tâm đào tạo về kinh điển, giới luật đầu tiên cho chư tăng ở Gia Định và cả khu vực Nam Bộ.
Từ khi thành lập, chùa Giác Lâm đã trải qua 11 đời trụ trì.
Trong 11 đời trụ trì có nhiều vị như: Tổ sư, Tổ Tông Viên Quang, Tiên Giác, Minh Vi, Minh Khiêm, Như Lợi, Như Phòng, Hồng Hưng, Nhựt Dần, Lệ Sành là Tổ kế thừa phái Lâm Tế, dòng đạo Bổn Ngươn nên chùa còn được gọi là tổ đình.
Nét uy nghiêm của tôn tượng thếp vàng Phật Thích Ca.
Chùa Giác Lâm mùa cây thay lá với gam màu lãng mạn.
Nhiều Phật tử tìm về đây phóng sanh, học đạo, nghe kinh để tìm sự thanh tịnh nơi tâm trí.
Vào năm 1988, chùa Giác Lâm được công nhận là Di tích lịch sử, văn hóa quốc gia và trở thành điểm hành hương nổi tiếng của nhiều du khách thập phương.