Các nghệ nhân tâm huyết trong làng sẵn sàng “đứng lớp” truyền dạy cồng chiêng, múa xoang cho thế hệ trẻ.
Để văn hóa truyền thống không bị mai một, những người yêu nghệ thuật cồng chiêng đã thành lập đội cồng chiêng làng Đăk Mế, xã Pờ Y (Ngọc Hồi, Kon Tum).
Đều đặn thứ Bảy và Chủ nhật hàng tuần, em Hà Anh Tuấn (11 tuổi, người Brâu, học sinh Trường THCS Pờ Y, xã Pờ Y) lại háo hức đến lớp học cồng chiêng, múa xoang được tổ chức tại Nhà văn hóa làng Đăk Mế.
Hà Anh Tuấn tham gia đội cồng chiêng của làng từ những ngày đầu thành lập. Khi mới tiếp cận, cậu khá bỡ ngỡ và chưa thật sự đam mê. Bởi so với tuổi của em chiếc chiêng rất nặng, Anh Tuấn dùng dùi đánh vào chiêng chỉ tạo ra âm thanh, nhưng chưa rõ nhịp điệu.
Được nghệ nhân A Mưu (63 tuổi, người Brâu, làng Đăk Mế) cầm tay chỉ dạy, sau một thời gian Anh Tuấn bị những nhịp chiêng trầm bổng lôi cuốn. Âm thanh du dương cuốn hút khiến cậu bé thích thú vô cùng. “Từ một người chưa biết gì về cồng chiêng, em được các nghệ nhân quan tâm, chỉ dạy từ những động tác cơ bản nhất như việc cầm chiêng, gõ dùi, tạo ra nhịp điệu… em vui lắm. Giờ đây em đã có thể đánh được những bài chiêng đơn giản trong các lễ hội của làng, như: Mừng lúa mới, Ru con…”, Tuấn phấn khởi cho biết.
Là một trong 40 thành viên đội cồng chiêng, xoang ở làng Đăk Mế, cuối tuần em Nguyễn Hoàng Diễm My (9 tuổi, người Brâu, học sinh Trường Tiểu học Bế Văn Đàn) lại xúng xính trong bộ trang phục truyền thống nhập vào nhóm học múa xoang. Đôi tay Diễm My uyển chuyển nhẹ nhàng, chân nhún nhảy theo nhịp chiêng. Tiếng chiêng vang lên, khuôn mặt rạng ngời, cô bé thả hồn vào những giai điệu mộc mạc, du dương.
Chỉ hơn 1 năm tham gia vào đội cồng chiêng, xoang, Diễm My đã thay đổi rất nhiều, không còn rụt rè mà đã hòa đồng, cởi mở hơn với mọi người. Ngoài tiếp thu những vẻ đẹp của văn hóa truyền thống, cô bé đã có thêm nhiều bạn bè và hòa nhập vào không gian vui chơi, giải trí sau giờ học trên lớp.
“Học múa xoang em thấy mình mềm mại, dẻo dai hơn. Em sẽ cố gắng học thật chăm chỉ, sau này giỏi rồi sẽ dạy lại cho các em nhỏ trong làng. Hy vọng rằng các em cũng sẽ yêu thích văn hóa truyền thống của người Brâu để nét đẹp này được nhiều người biết đến hơn nữa”, Diễm My bộc bạch.
Trực tiếp tham gia truyền dạy các kỹ năng sử dụng cồng chiêng, nghệ nhân A Mưu vui mừng, hạnh phúc khi thấy nhiều học sinh yêu thích và đam mê cồng chiêng, múa xoang.
“Việc truyền dạy văn hóa truyền thống sẽ bồi đắp cho các em thêm nhiều kiến thức, hiểu được nét đẹp và giá trị văn hóa truyền thống mà các thế hệ cha ông để lại. Biết trân trọng những giá trị đó thế hệ trẻ sẽ có ý thức giữ gìn và lan tỏa. Đây chính là niềm hạnh phúc của nghệ nhân chúng tôi khi chứng kiến thế hệ trẻ kế cận, phát huy những nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình”, nghệ nhân A Mưu tâm sự.
Thời gian đầu, việc truyền dạy cồng chiêng của nghệ nhân A Mưu gặp rất nhiều khó khăn bởi đa số các em đều chưa được sử dụng loại nhạc cụ này. Những em nhỏ chỉ mới nhìn thấy và nghe nghệ nhân đánh trong các dịp lễ hội của làng.
Thay vì chỉ dạy học sinh cách đánh cồng chiêng để tạo ra nhịp điệu, nghệ nhân A Mưu bắt đầu từ những bài cơ bản nhất, như: Cách cầm chiêng, gõ dùi, dáng đi… Nhìn lớp trẻ lóng ngóng tay chân, lúng túng trong các thao tác nhưng nghệ nhân không nản lòng, ông luôn động viên các em cố gắng từng chút một, học từ động tác dễ đến khó. Đặc biệt, với những trẻ 7 - 8 tuổi, già A Mưu ân cần và dành nhiều thời gian hơn.
Được sự động viên, cổ vũ của nghệ nhân và gia đình, các em ngày càng gắn bó với câu lạc bộ và chăm chỉ, say mê luyện tập để nhịp chiêng, tiếng cồng tạo nên âm điệu, vang xa. Cuối tuần nào cũng thế, các thành viên trong đội luôn đến đông đủ, tập luyện hăng say. Mỗi buổi tập diễn ra khoảng 2 giờ đồng hồ, thế nhưng đa phần các em đều nán lại lâu hơn để có thể học được nhiều kiến thức bổ ích.
“Kỹ năng quan trọng nhất khi các em làm quen với cồng chiêng là cầm dùi gõ chiêng, cách cầm chiêng sao cho khoảng cách từ dây cầm tới chiêng phải phù hợp… Khi đã nắm vững kỹ năng này thì mỗi nốt gõ vào chiêng sẽ có độ chính xác cao”, nghệ nhân A Mưu giải thích.
Trong không gian học tập sôi nổi, đội cồng chiêng học bên này, bên phía kia các bà, các mẹ dạy các thiếu nữ múa xoang. Các cô gái nhỏ được uốn nắn, chỉ dạy để có những bước di chuyển nhẹ nhàng, chuyển động nhịp nhàng trong đội hình đồng điệu, phối hợp giữa co và duỗi chân, tay, nhún nhảy đung đưa thân mình. Tiếng chiêng và điệu múa xoang hòa vào nhau tạo nên một khung cảnh yên bình, đậm đà bản sắc văn hóa.
Anh Thao Tôra - cán bộ phụ trách Văn hóa - Xã hội xã Pờ Y, cũng chính là người phụ trách đội cồng chiêng nhí làng Đăk Mế cho biết: Với mong muốn tiếng cồng chiêng được âm vang trên núi rừng và được nhiều thế hệ người Brâu giữ gìn, tôi đã cùng già làng, thôn trưởng vận động các em nhỏ tham gia học. Thời gian đầu việc vận động các em tham gia vào đội, duy trì tập luyện đều đặn không dễ dàng, bởi hầu hết các em còn nhỏ, hiếu động nên chưa nhận thức hết được tầm quan trọng của việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.
Do đó, thay vì vận động, giải thích, anh Thao Tôra dành thời gian đến từng nhà, gặp gỡ những người lớn tuổi để nhờ sự hỗ trợ. Từ sự kiên trì, tận tâm của những con người tâm huyết chỉ trong thời gian ngắn, đội cồng chiêng nhí làng Đăk Mế đã được thành lập. Sau khoảng một năm tập luyện, đến nay vào mỗi dịp liên hoan, lễ hội, đội cồng chiêng nhí làng Đăk Mế lại đóng góp nhiều tiết mục văn hóa đặc sắc, thuần thục.
Trong năm qua, đội đã tham gia biểu diễn ở các sự kiện lớn của tỉnh và huyện Ngọc Hồi như: Lễ khánh thành Nhà văn hóa hữu nghị Việt Nam - Lào - Campuchia, Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số huyện Ngọc Hồi lần thứ IV, Lễ hội đường phố huyện Ngọc Hồi, Ngày hội văn hóa - thể thao các dân tộc huyện Ngọc Hồi…
Bà Võ Thị Thu Hà - Phó Chủ tịch UBND xã Pờ Y cho biết, người Brâu ở làng Đăk Mế rất yêu quý, say mê cồng chiêng và có ý thức giữ gìn bản sắc văn hóa của địa phương. Để phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, địa phương đã chủ trương nhờ già làng, nghệ nhân chỉ dạy và tích cực vận động học sinh tham gia đội cồng chiêng.
Việc tập hợp các em vào đội chiêng vừa rèn luyện, phát huy năng khiếu, vừa tạo một sân chơi lành mạnh cho trẻ em. Điều đáng quý là khi tham gia, học sinh nơi đây đã có ý thức giữ gìn, siêng năng luyện tập và tỏ ra say mê, yêu thích. Hy vọng rằng các em sẽ trở thành nhân tố tích cực góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của địa phương.