Bên cạnh đó, việc kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn mà không sử dụng ngữ liệu trong SGK cần có một số lưu ý để đảm bảo phát triển năng lực học sinh. Theo NGƯT Vũ Thị Quỳnh Anh, văn bản cần gắn với những thể loại trong khung chương trình GDPT 2018 của Bộ GD&ĐT.
Việc chọn ngữ liệu cần rất công phu, tỉ mỉ và có sự chọn lọc. Ngữ liệu phải đảm bảo tính khoa học, giáo dục và theo chủ đề, dựa trên các năng lực, phẩm chất cần đạt theo khung chương trình, phù hợp với đối tượng tiếp nhận là học sinh THPT.
NGƯT Đỗ Thị Khánh Huệ - giáo viên Ngữ văn Trường THCS Nam Cao (Lý Nhân, Hà Nam). |
Tương tự, NGƯT Đỗ Thị Khánh Huệ - giáo viên Ngữ văn Trường THCS Nam Cao (Lý Nhân, Hà Nam) nhấn mạnh, ngữ liệu phải đảm bảo tính giáo dục, tính thẩm mĩ với ngôn từ trong sáng, chuẩn ngữ pháp; cùng thể loại hoặc phương thức biểu đạt với văn bản đã được học để học sinh vận dụng kiến thức vào tìm hiểu, cảm nhận.
Ngữ liệu cũng cần kiểm tra đủ các kiến thức của các phân môn: Tiếng Việt - Văn và tập làm văn. Nguồn ngữ liệu phải có độ tin cậy cao, tránh nguồn chưa được kiểm chứng. Ngữ liệu phải phát huy được tính sáng tạo của học trò. Các em được bày tỏ quan điểm trước những vấn đề xã hội, phát huy tinh thần của một công dân có trách nhiệm.
Cô Khánh Huệ cho rằng, câu hỏi trong kiểm tra Ngữ văn cần bám vào định dạng theo ma trận đề, bản đặc tả, theo yêu cầu cần đạt của chương trình. Tăng cường những câu hỏi yêu cầu học sinh giải quyết một tình huống, vấn đề thực tế hoặc dạng câu hỏi thể hiện quan điểm ý kiến cá nhân. Câu hỏi cần mở, không có tính áp đặt.
Hệ thống câu hỏi vẫn phải đủ các mức độ: Nhận biết, thông hiểu và vận dụng. Để phát huy tính sáng tạo của học sinh cần hạn chế các câu hỏi kiểm tra lý thuyết, nên thêm các câu hỏi liên hệ và để học trò đưa ra ý kiến, giải pháp và quan điểm, cảm nhận của cá nhân. Câu hỏi trong đề phải mở, chấp nhận nhiều phương án trả lời có thể trái chiều nhưng chỉ cần học sinh lý giải được vì sao chọn đáp án đó. Để các em hứng thú làm bài thì ngữ liệu phải phù hợp với tâm lý lứa tuổi, gắn với vấn đề thời sự xã hội.