Đổi mới cách ra đề Ngữ văn Chương trình mới: Giáo viên lúng túng tìm ngữ liệu

28/10/2023, 09:30
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Ngữ liệu sử dụng trong các bài kiểm tra định kỳ môn Ngữ văn phải nằm ngoài SGK khiến HS và GV có những lúng túng trong kiểm tra – đánh giá.

Tuy nhiên, theo nhận xét của nhiều thầy cô, đổi mới này đáp ứng được mục tiêu phát triển năng lực của học sinh, từng bước loại bỏ văn mẫu.

Đổi mới từ giáo viên

Cô Ngô Hòa Liên - Tổ trưởng Tổ Ngữ văn, Trường THPT Thái Phiên (quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng) nhận xét: “Trong năm học đầu tiên thực hiện sử dụng ngữ liệu ngoài sách giáo khoa để đưa vào đề kiểm tra, giáo viên gặp nhiều khó khăn. Thời gian đầu tư một đề kiểm tra nhiều hơn trước đây, nhất là khâu tìm ngữ liệu phù hợp”.

Theo phân tích của cô Hòa Liên, ngữ liệu ở bên ngoài thường dài, không phù hợp thời lượng của bài kiểm tra. Thế nên, chọn đoạn trích nào trong một văn bản hoàn chỉnh, giáo viên phải cân nhắc để có ngữ liệu đủ chuẩn. Ngữ liệu được lựa chọn không quá phức tạp, phù hợp độ tuổi học sinh cũng như có nhiều thông tin để tạo câu hỏi, khai thác tối đa khả năng, năng lực người học.

Ngoài ra, đề kiểm tra còn có lượng câu hỏi theo hình thức trắc nghiệm mà không phải giáo viên nào cũng có kinh nghiệm xây dựng phương án nhiễu. Đây mới là “khâu” khó nhất trong làm đề kiểm tra môn Ngữ văn.

Tổ Ngữ văn - Trường THPT Thái Phiên đã xây dựng các đề minh họa và cùng tham gia phản biện, trong đó, ngoài việc đảm bảo kiến thức, cần có độ nhiễu và rút kinh nghiệm trên từng đề kiểm tra cụ thể. Học sinh sẽ loại 2 đáp án chắc chắn sai, với 2 đáp án còn lại có sự phủ định nhau thì độ nhiễu quá lộ. Trong họp tổ chuyên môn, vì thế có thêm nội dung đánh giá chất lượng đề của từng thành viên, chỗ nào chưa chính xác về kiến thức, chưa hay, rút kinh nghiệm cái gì.

Thầy Nguyễn Đình Hòa – Trường THPT Trần Phú (TP Đà Nẵng) nhận xét chương trình Ngữ văn cũ và mới không chênh lệch nhiều về nội dung. Tuy nhiên, mục tiêu cần đạt, phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá lại hoàn toàn khác. Chương trình Ngữ văn 2018 yêu cầu về năng lực phẩm chất người học, phương pháp dạy học chuyển từ truyền đạt kiến thức sang lĩnh hội kiến thức, hình thành phẩm chất năng lực - lấy người học làm trung tâm.

Chương trình cũ thì giáo viên dạy bài trong sách giáo khoa và kiểm tra đánh giá bằng chính bài đã học, điều này dẫn đến việc học tủ theo văn mẫu. Chương trình mới yêu cầu phát huy tính tự học của trò và bằng kiến thức, phẩm chất, năng lực có được thông qua kiểm tra đánh giá bằng các văn bản ngoài sách giáo khoa - tương tự văn bản mẫu đã học.

Trước đây, vì được dạy trước nên bài viết của học sinh khi phân tích một đoạn trích hay tác phẩm văn học được yêu cầu hoàn chỉnh cả nội dung lẫn hình thức nghệ thuật. Nhưng với cách kiểm tra đánh giá mới, bài viết khó đạt được các yêu cầu này. Nếu giáo viên vẫn giữ quan điểm kiểm tra, đánh giá như cũ thì rất ít học sinh có khả năng đạt được yêu cầu đó.

Học sinh Trường THPT Phan Châu Trinh (TP Đà Nẵng) tham gia sinh hoạt CLB Kỹ năng phục vụ các chuyên đề đổi mới học tập như sử dụng sơ đồ tư duy, biểu diễn tiểu phẩm… Ảnh: NTCC
Học sinh Trường THPT Phan Châu Trinh (TP Đà Nẵng) tham gia sinh hoạt CLB Kỹ năng phục vụ các chuyên đề đổi mới học tập như sử dụng sơ đồ tư duy, biểu diễn tiểu phẩm… Ảnh: NTCC

Xây dựng ngân hàng dữ liệu

Trường THPT Hướng Phùng (huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) chỉ có 3 giáo viên bộ môn Ngữ văn nên năm đầu tiên triển khai với lớp 10 gặp khó khăn trong tìm kiếm ngữ liệu phù hợp để xây dựng đề kiểm tra.

Chia sẻ của cô Lê Thị Phúc - phụ trách Tổ Ngữ văn: “Trên cơ sở tập huấn của Hội đồng bộ môn toàn tỉnh do sở GD&ĐT tổ chức, chúng tôi bám sát vào ma trận đề, tùy từng giai đoạn chương trình học để chọn văn bản ngoài sách giáo khoa nhưng có chung chỉ báo kiến thức”.

Thời gian đầu, do sở GD&ĐT chưa có hệ thông câu hỏi với dữ liệu mới nên giáo viên Ngữ văn Trường THPT Hướng Phùng linh hoạt sử dụng các tác phẩm ở sách giáo khoa chương trình cũ, tham khảo thêm nguồn ngữ liệu trong đề kiểm tra của tổ chuyên môn trường bạn…

Tuy nhiên, theo nhận xét của cô Lê Thị Phúc, xây dựng đề kiểm tra định kỳ còn phải phù hợp đặc điểm học sinh từng vùng miền. Học sinh trường thuộc vùng 3, điều kiện học tập, mức độ tiếp nhận kiến thức nhiều hạn chế. Các em chưa linh hoạt, không biết cách khai thác dữ kiện có trong ngữ liệu để trả lời câu hỏi. Thậm chí, khả năng diễn đạt chưa trôi chảy, giáo viên phải hướng dẫn từ bố cục văn bản, sửa lỗi chính tả.

Cùng đó, nhiều em còn bám vào kiến thức được học mà chưa biết vận dụng để phân tích văn bản, tác phẩm cụ thể. Vì vậy, cùng học về thơ, nhưng tác phẩm được chọn đưa vào đề kiểm tra môn Ngữ văn Trường THPT Hướng Phùng phải ở mức đơn giản, dễ hiểu, cấu tứ rõ ràng.

Cô Ngô Hòa Liên cho rằng, ngữ liệu ngoài sách giáo khoa được sử dụng trong đề kiểm tra Ngữ văn nên bám sát đặc trưng thể loại để học sinh có thể nhận biết, vận dụng. Ngữ liệu phải có dung lượng vừa phải, dễ hiểu với học sinh. Sử dụng các tác phẩm trong sách giáo khoa chương trình cũ, tác phẩm có cùng phong cách của một tác giả, giai đoạn, trào lưu văn học… cũng là cách lựa chọn ngữ liệu ngoài sách giáo khoa hiện hành để đảm bảo độ chuẩn.

Thầy Nguyễn Hữu Thịnh - Hiệu trưởng Trường THPT Hướng Phùng (huyện Hướng Hóa, Quảng Trị) thông tin: “Từ tập huấn của Hội đồng bộ môn, đề kiểm tra môn Ngữ văn được giáo viên xây dựng ma trận câu hỏi phù hợp mục đích kiểm tra, đánh giá và dự kiến phổ điểm trung bình có thể đạt được để có đề tốt nhất. Ngữ liệu thì chúng tôi hướng dẫn thầy cô tham khảo từ hệ thống ngân hàng đề tham khảo của sở GD&ĐT, tìm tác phẩm, văn bản có nguồn chính thống, cùng một tác giả đã quen thuộc với học sinh ở các bậc học dưới…”.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đổi mới cách ra đề Ngữ văn Chương trình mới: Giáo viên lúng túng tìm ngữ liệu